Thưởng thức ly cà phê trước khi bắt đầu công việc, hoạt động đã trở thành thói quen thường ngày của nhiều người, bởi hương thơm phức cùng các hoạt chất từ thức uống này được coi như ‘cứu tinh’ giúp tinh thần tỉnh táo và tập trung. Thế nhưng nếu không sử dụng cà phê với liều lượng hợp lý và khoa học thì nguy cơ cao sẽ mắc phải các tác dụng phụ nghiêm trọng.
1. Những tác hại của cà phê cần phòng tránh
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, trung bình mỗi ngày chỉ nên tiếp nạp tối đa 200mg caffeine, tương đương với khoảng 2 ly cà phê (ly có thể tích khoảng 150 - 200ml). Duy trì dùng ở mức an toàn này giúp bạn không bị nghiện và phụ thuộc quá nhiều vào cà phê, đồng thời chủ động phòng tránh một số tác hại gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe dưới đây:
1.1 Tim đập nhanh
Tim đập nhanh được xem là một trong những hiện tượng xảy ra phổ biến nhất sau khi uống quá nhiều cà phê, đặc biệt ở nhóm người lần đầu sử dụng thức uống này. Theo đó, việc hấp thụ hàm lượng lớn chất kích thích caffeine dẫn tới động mạch co lại, áp lực của máu lên thành mạch tăng lên, làm nhịp tim gấp gáp và nhanh hơn. (1)
1.2 Mất ngủ
Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng hoạt chất caffeine khi vào cơ thể sẽ đảm nhiệm vai trò ức chế hoạt động của adenosine cùng phosphodiesterase – hai tác nhân chính gây ra cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ. Vì vậy nếu dùng nhiều cà phê, chúng ta sẽ luôn ở trong trạng thái hưng phấn, khó đi vào giấc ngủ, trầm trọng hơn là bị rối loạn giấc ngủ và suy giảm chức năng não bộ. (2)
Xem thêm: Bí quyết ‘đánh bay’ chứng mất ngủ từ những loại thực phẩm tự nhiên
1.3 Gây tiểu nhiều lần
Bổ sung lượng lớn caffeine từ cà phê được đánh giá là yếu tố kích thích bàng quang co bóp, làm tăng tần suất đi tiểu tiện trong ngày của bạn. (3) Thông thường mỗi người sẽ đi tiểu khoảng 6 – 8 lần trong một ngày, tuy nhiên nếu dùng thêm cà phê thì con số này có thể lớn hơn 8.
1.4 Ảnh hưởng chu kì kinh nguyệt
Cà phê không phải là thức uống lành mạnh dành cho phái nữ trong kì kinh nguyệt. Lượng chất caffeine quá cao sẽ làm rối loạn nồng độ hormone estrogen, khiến tử cung co thắt mạnh, giảm lưu lượng máu và rút ngắn thời gian hành kinh.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng nên tạm ngưng sử dụng cà phê để tránh tình trạng gia tăng hormone catecholamine, dẫn tới giảm oxy máu nuôi thai nhi.
Xem thêm: Bà bầu uống cafe ảnh hưởng sức khỏe thai nhi thế nào?
1.5 Nguy cơ trào ngược dạ dày
Rất nhiều chuyên cứu đã và đang được tiến hành để tìm ra tác động của cà phê với bệnh lý trào ngược dạ dày. Các giả thuyết cho rằng cùng với caffeine, những nhóm axit từ cà phê như axit chlorogen hay N-alkanoyl-5-hydroxytryptamide sẽ tăng tiết axit dạ dày, gây ợ nóng và có thể làm hỏng niêm mạc dạ dày. (4)
Dù vẫn cần tìm hiểu chuyên sâu hơn, song nếu bạn đang điều trị các bệnh lý liên quan đến dạ dày hãy cố gắng cắt giảm sử dụng cà phê nhé.
1.6 Đau dạ dày
Việc uống cà phê quá nhiều vào buổi sáng khi dạ dày trống rỗng sẽ khiến dạ dày bị đau. Vì trong cà phê có chứa các chất kích thích các tế bào và làm tăng tiết axit trong dà dày. Vì thế bạn nên cân nhắc khi thấy dạ dày có biểu hiện đau thì nên dừng thói quen uống cà phê nhiều vào buổi sáng.
1.7 Căng thẳng quá mức
Caffein đóng vai trò kích thích não bộ hoạt động hiệu quả, giúp cơ thể tỉnh táo, ngăn ngừa các dấu hiệu mệt mỏi. Ngoài ra uống cà phê còn giúp cơ thể bạn tràn đầy năng lượng và giúp tăng adrenaline trong máu.
Tuy nhiên nạp 1 lượng lớn caffein sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thông thường sẽ có triệu chứng bồn chồn, nôn nao, lo lắng và căng thẳng quá mức. Đây cũng là một trong các biểu hiện của hiện tượng say cà phê. Tùy vào mức độ uống cà phê bao nhiêu sẽ có các triệu chứng khác nhau, nếu mức độ vượt ngưỡng cho phép thì sẽ có thêm các dấu hiệu khó thở, chóng mặt,...
Chỉ nên uống cà phê ở mức vừa phải để cơ thể tỉnh táo và đừng uống nhiều mà dẫn đến cơ thể bị căng thẳng quá mức.
1.8 Mệt mỏi
Mặc dù cà phê là loại thức uống khiến cơ thể tràn đầy năng lượng, đánh tan sự mệt mỏi, tuy nhiên khi tác dụng của cà phê đã hết thì sẽ khiến tinh thần giảm sút, mất hứng làm việc và dẫn tới trạng thái mệt mỏi.
Điển hình là những người thường xuyên uống cà phê, nếu ngưng uống 1 ngày sẽ bắt gặp tình trạng này. Đôi khi uống nhiều quá mức cũng không tốt, vì thế hãy luôn uống vừa phải để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
1.9 Ngộ độc cà phê
Nhiều loại bột cà phê bị pha nhiều loại phụ phẩm khác để làm gia tăng hương vị cà phê và màu được đậm đẹp hơn nhưng tiềm tàng những nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Sẽ có trường hợp hy hữu khi uống loại cà phê này có triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt và nôn nao và sử dụng lâu ngày sẽ gây hại sức khỏe, thậm chí là ngộ độc cà phê.
Vì thế nên chọn những loại cà phê sạch, thương hiệu uy tín để đảm bảo an toàn và tốt cho sức khỏe của bạn.
1.10. Nghiện cà phê
Uống nhiều quá mức sẽ tạo nên thói quen tâm lý mỗi ngày đều uống cà phê, dẫn tới việc dứt ra không được. Uống cà phê giúp cơ thể trở nên tỉnh táo, tràn đầy năng lượng nên sẽ khiến bạn bị phụ thuộc vào loại thức uống cà phê này hàng ngày. Ở 1 số người sẽ có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu nếu 1 ngày không uống cà phê.
1.11. Không tốt cho người đang mang thai
Những người đang mang thai khi uống cà phê quá nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe, dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng thai nhi, sinh non và nguy hiểm có thể là sảy thai hoặc thai chết lưu. Để tốt cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi thì sản phụ cần phải hạn chế tiêu thụ các loại thức uống có chứa caffein và thói quen uống cà phê.
2. Uống cà phê vào thời điểm nào là tốt nhất?
Thời điểm sử dụng cà phê quyết định phần lớn tới việc tận dụng hiệu quả những lợi ích mà thức uống này mang lại. Theo đó, uống cà phê vào thời điểm từ 9h30 tới 10h30 sáng là tốt nhất, lúc này nồng độ hormone cortisol đang ở mức thấp, sẽ không đẩy trạng thái căng thẳng, lo âu và hồi hộp vượt quá ngưỡng an toàn.
Bên cạnh đó, hạn chế dùng cà phê sau bữa ăn trưa (khoảng từ 12h tới 14h) vì có thể cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Đặc biệt, nếu không quen hoặc ít sử dụng cà phê trước đó, bạn cũng không nên uống sau 16h, tránh ảnh hưởng tới giấc ngủ buổi tối.
3. Một số lưu ý uống cà phê đúng cách
Nguy cơ mắc các tác dụng phụ từ cà phê thường tăng cao khi chúng ta dùng thiếu khoa học và lạm dụng với liều lượng lớn. Chính vì thế hãy lưu ý thực hiện đúng một số lời khuyên sau:
3.1 Hạn chế thêm đường
Vị đắng và có phần hơi chát từ cà phê khiến bạn muốn thêm đường hoặc các chất tạo ngọt để hương vị dễ uống hơn, nhưng đây lại không phải là giải pháp mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích. Lý do là bởi lượng đường sẽ khiến khả năng kiểm soát đường huyết của cà phê không được phát huy tốt.
Xem thêm: Chỉ số đường huyết bao nhiêu là an toàn? Cách giúp bạn kiểm tra đường huyết tại nhà
3.2 Nên sử dụng cà phê rang xay
Hạt cà phê được rang thơm rồi xay nhuyễn cung cấp đa dạng chất dinh dưỡng hơn so với các loại cà phê hòa tan. Do vậy, lời khuyên là hãy tìm mua hạt cà phê có nguồn gốc rõ ràng, đạt chất lượng và dành thời gian tự rang xay rồi pha chế.
3.3 Không dùng cà phê đã pha quá lâu
Sau khi pha cà phê, bạn nên dùng hết trong khoảng 20 phút, vừa thưởng thức được hương vị thơm ngon, vừa hấp thu tối đa dưỡng chất.
Uống cà phê vốn đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Việt, song không vì thế mà ta có thể sử dụng tùy ý và vô tình làm mất đi những lợi ích quý giá từ thức uống giàu dưỡng chất này. Hãy nhâm nhi vừa đủ, đúng lúc để bảo vệ sức khỏe nhé.