Chờ...

Thực phẩm siêu chế biến ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

VOH - Thực phẩm siêu chế biến đang âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người!

Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, năm 2018, có tới 57% tổng lượng calo của người Mỹ trưởng thành đến từ thực phẩm chế biến sẵn.

Những thực phẩm chế biến sẵn tưởng chừng như ngon miệng vô hại nhưng tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe này đã trở thành mối lo ngại lớn trong chế độ ăn uống của con người ngày nay.

thuc-pham-che-bien-san
Thực phẩm siêu chế biến có vẻ tốt cho sức khỏe nhưng thực tế lại không phải vậy, ăn quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc 32 loại bệnh - Ảnh: TVBS

4 loại thực phẩm chính

Ngụy Sĩ Hàng, chuyên gia giảm cân tại Phòng khám đa khoa Sơ Nhựt (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, theo hệ thống phân loại "NOVA" do Đại học São Paulo ở Brazil đề xuất, thực phẩm và đồ uống có thể được chia thành 4 loại tùy theo tính chất, mức độ và mục đích chế biến:

1. Thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến tối thiểu (chế biến tối thiểu tức là làm sạch thực phẩm, bảo quản thực phẩm hoặc loại bỏ các phần không ăn được): bao gồm trái cây, rau củ, các loại đậu, cá, trứng, thịt… Những thực phẩm này không bổ sung thêm thành phần nào mà có thể được cắt nhỏ, đun nóng, xay, nướng, sấy khô hoặc đông lạnh.

2. Nguyên liệu nấu ăn đã qua chế biến: được làm bằng cách tinh chế, nghiền nát hoặc cắt nhỏ các thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến tối thiểu như bơ, bột mì, muối, nước tương… Hầu hết đều là nguyên liệu nấu ăn.

3. Thực phẩm đã qua chế biến: các thực phẩm ở 2 nhóm trên đã qua chế biến, bao gồm bánh mì, rượu vang, rau củ, trái cây đóng hộp, có bổ sung thêm chất phụ gia để thực phẩm không bị hư hỏng.

4. Thực phẩm siêu chế biến: những thực phẩm này được chế biến công nghiệp với nhiều loại phụ gia và thành phần tự nhiên, bao gồm đồ uống có đường, đồ ăn vặt đóng gói, thực phẩm đông lạnh và thức ăn làm sẵn được hâm nóng lại bằng lò vi sóng. Chúng thường chứa một lượng lớn chất béo, đường và muối để tăng thêm độ ngon miệng và thời hạn sử dụng.

Thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến béo phì và nguy cơ mắc bệnh

Tiến sĩ Kevin Hall, một học giả nổi tiếng về béo phì và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã thực hiện một thí nghiệm thú vị về thực phẩm siêu chế biến. Tiến sĩ Kevin Hall đã chọn ra 20 người trưởng thành có cân nặng ổn định và chia họ thành hai nhóm: nhóm sử dụng thực phẩm siêu chế biến và nhóm sử dụng thực phẩm nguyên bản.

Thức ăn có cùng thành phần dinh dưỡng và lượng calo được cung cấp cho cả hai nhóm và các đối tượng có thể tự quyết định khẩu phần ăn. Kết quả cho thấy, nhóm sử dụng thực phẩm siêu chế biến tiêu thụ trung bình nhiều hơn 500 calo so với nhóm sử dụng thực phẩm nguyên bản, ăn nhanh hơn và tăng cân trung bình 0,9 kg.

Tiến sĩ Kevin Hall giải thích rằng, vì thực phẩm siêu chế biến có thể làm tăng ghrelin và giảm leptin trong cơ thể nên các đối tượng đã vô tình tiêu thụ quá nhiều thực phẩm và calo!

Nghiên cứu mới nhất cũng cho thấy, việc ăn quá nhiều thực phẩm siêu chế biến sẽ làm tăng nguy cơ mắc 32 loại bệnh, bao gồm các bệnh liên quan đến tim mạch, tiểu đường tuýp 2, ung thư… thậm chí có thể dẫn đến tử vong sớm.

Trong số đó, việc ăn quá nhiều những thực phẩm này sẽ làm tăng nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch lên 50%, tăng nguy cơ lo âu căng thẳng và rối loạn tâm thần từ 48% đến 53%, đồng thời tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường tuýp 2, khó ngủ, các bệnh về tim mạch và các bệnh khác gần 50%.

Cách tránh sự cám dỗ của thực phẩm siêu chế biến

Trước tình hình thực phẩm siêu chế biến phổ biến khắp nơi, mọi người có thể giảm lượng ăn vào như thế nào? Chuyên gia Ngụy Sĩ Hàng chia sẻ 3 cách để giúp mọi người tránh sự cám dỗ của thực phẩm siêu chế biến thiết thực sau đây:

1. Thay đổi môi trường và thói quen mua sắm: cố gắng chọn những cửa hàng bán thực phẩm sạch, chẳng hạn như cửa hàng bán thịt sạch và cửa hàng thực phẩm tươi sống, đồng thời giảm cơ hội mua thực phẩm chế biến sẵn ở các cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị lớn. Lên danh sách trước khi mua sắm, chỉ mua những gì cần thiết và tránh mua ngẫu hứng thực phẩm không tốt cho sức khỏe.

2. Thay đổi thời gian và khẩu phần ăn: thay vì hạn chế hoàn toàn việc ăn đồ ăn vặt, tốt hơn hết mọi người nên đặt ra thời gian cho bản thân để ăn những đồ ăn vặt, chẳng hạn như khi đi du lịch hoặc tụ tập với bạn bè. Hãy để những thực phẩm này ăn đúng vào thời điểm thích hợp.

3. Học cách đọc nhãn thành phần trên bao bì thực phẩm: hãy xem xét kỹ từng miếng thực phẩm mà mình ăn vào miệng. Ngay cả khi ăn miếng khoai tây chiên lát mỏng, mọi người cũng nên chọn hương vị nguyên bản và nguyên liệu đơn giản để giảm bớt lượng chất phụ gia. Ngoài ra, mọi người cũng nên tránh những thực phẩm có vẻ tốt cho sức khỏe nhưng thực tế lại không phải chẳng hạn như các loại đồ uống đóng hộp, yến mạch và ngũ cốc ăn liền…