Trong quá trình sản xuất thực phẩm đóng hộp, thực phẩm sẽ trải qua rất nhiều công đoạn chế biến và bảo quản nên luôn khiến người tiêu dùng có cảm giác loại thực phẩm này không còn dinh dưỡng, ăn không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế đem so sánh với thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh, thực phẩm đóng hộp không hẳn kém dinh dưỡng hơn.
Thực phẩm đóng hộp không bổ dưỡng?
Trong quá trình sản xuất thực phẩm đóng hộp, thực phẩm phải được chế biến ở nhiệt độ cao và áp suất cao, sau đó đậy kín và bảo quản vô cùng cẩn thận. Cũng giống như quá trình nấu nướng thông thường, điều này sẽ làm mất đi một số chất dinh dưỡng nhất định trong thực phẩm đóng hộp.
Vì vậy, hầu hết mọi người thường cho rằng thực phẩm đóng hộp ít dinh dưỡng hơn thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh, nhưng thực ra đây là một sự hiểu lầm của rất nhiều người. Theo nghiên cứu của Đại học California (Hoa kỳ) cho thấy, suy nghĩ thực phẩm đóng hộp không bổ dưỡng là không đúng.
Nghiên cứu cho thấy, trong quá trình sản xuất thực phẩm đóng hộp, chủ yếu là các vitamin tan trong nước không thể dự trữ trong cơ thể chẳng hạn như vitamin C và vitamin B1 sẽ bị mất đi, trong khi hầu hết các chất dinh dưỡng khác có thể được bảo toàn trong thực phẩm. Ngoài ra, sau khi chế biến đóng hộp thành phẩm xong, giá trị dinh dưỡng của chúng có thể duy trì ổn định ở trạng thái chân không. Điều này chứng tỏ các đồ đóng hộp vẫn có dinh dưỡng bình thường.
Nhiều loại thực phẩm đều có thể đóng hộp
Nói chung, trên thị trường mọi người sẽ thấy có rất nhiều loại thực phẩm đóng hộp, ví dụ như trái cây, rau củ, khoai tây, các loại đậu, cá, súp… Trong đó, có một số loại tương đối có nhiều dinh dưỡng, chẳng hạn như cá hồi, trong khi đậu gà chickpea hoặc đậu ván thuộc loại protein có hàm lượng chất béo thấp và chất xơ cũng chứa nhiều thành phần dinh dưỡng.
Ngay cả thực phẩm tươi sống cũng sẽ mất đi ít nhiều chất dinh dưỡng trong quá trình làm lạnh và đóng gói, nhưng sau khi bảo quản và chế biến nấu nướng, chất dinh dưỡng bị mất đi do quá trình oxy hóa cũng tương tự như thực phẩm đóng hộp.
Dù thực phẩm tươi sống được bảo quản ở nhiệt độ phòng hay để trong tủ lạnh hoặc tủ đông, chất dinh dưỡng của thực phẩm đương nhiên cũng sẽ bị mất đi theo thời gian.
Các lưu ý khi ăn thực phẩm đóng hộp
1. Lưu ý nhãn mác
Khi ăn thực phẩm đóng hộp, đừng ăn theo khẩu phần thông thường của mình, vì điều này có thể khiến mình nạp vào lượng calo sẽ vượt quá lượng khuyến nghị tiêu chuẩn.
Trước khi ăn thực phẩm đóng hộp, mọi người nên tham khảo kỹ nhãn dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm đóng hộp và ăn theo khẩu phần khuyến nghị ghi trên đó.
2. Lưu ý bảo quản thực phẩm đóng hộp ăn thừa
Để bảo quản thực phẩm đóng hộp ăn thừa, hãy vứt bỏ lon hộp, đổ thức ăn thừa vào chén dĩa hoặc lon hộp đựng khác, đậy nắp lại và để bảo quản trong tủ lạnh.
Vì lon hộp của thực phẩm đóng hộp thông thường được làm bằng thiếc nên lớp bên trong được phủ một lớp oxit crom hoặc thiếc để chống gỉ. Chỉ cần đã mở lon hộp, một khi tiếp xúc với không khí, lớp thiếc bên trong có thể ngấm vào thức ăn nhanh hơn, sẽ không tốt cho sức khỏe khi ăn, nhưng siro và bột cacao không bị ảnh hưởng của hiện tượng này.
Ngoài ra, đồ hộp sau khi đã mở ra thực phẩm bên trong dễ bị nhiễm khuẩn nên mọi người ăn càng sớm càng tốt.
3. Lưu ý phía bên ngoài đồ hộp có bị móp méo, rỉ sắt và hư hỏng không?
Chỉ cần lon đồ hộp bị nứt, rỉ sắt hoặc thậm chí chỉ cần bị móp méo vì sản phẩm đã không được bảo quản tốt là không nên mua ăn vì vi khuẩn có thể xâm nhập vào lon đồ hộp và ảnh hưởng đến môi trường vô trùng chân không bên trong lon, làm thực phẩm bên trong biến chất, nếu ăn rất dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Về mặt lý thuyết, mọi người ăn nhiều thực phẩm đóng hộp cũng không có vấn đề gì. Tuy nhiên, khi ăn đồ hộp nên kết hợp với ăn uống hợp lý nhiều loại thực phẩm khác, chẳng hạn mọi người nên ăn kèm thịt hộp với rau củ và trái cây tươi để cân bằng chất dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp đủ chất xơ, vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Đặc biệt, mọi người cần phải lưu ý đến phương pháp bảo quản đồ hộp để tránh ngộ độc thực phẩm, giúp ăn uống khỏe mạnh hơn.