Nhà tâm lý học nổi tiếng Terman, Đại học Stanford (Mỹ) đã mở cuộc nghiên cứu, theo dõi các đối tượng trong 80 năm, cho ra kết luận ở gần những người không hạnh phúc sẽ khiến sức khỏe kém hơn và tuổi thọ ngắn hơn.
Nhưng hạnh phúc lại ít liên quan đến hoàn cảnh sống. Một nghiên cứu của Đại học Illinois (Mỹ) phát hiện những người kiếm được nhiều tiền nhất chỉ hạnh phúc hơn một chút so với những người bình thường làm việc cho họ.
Kết luận khác liên quan về hạnh phúc, nhóm nhà tâm lý học của Đại học California phát hiện di truyền và hoàn cảnh sống chỉ chiếm khoảng 50% hạnh phúc của một người, phần còn lại tùy thuộc bản thân người đó.
Tiến sĩ Travis Bradberry đã liệt kê ra 10 thói quen gắn với bất hạnh.
Ông là tác giả của cuốn sách Emotional Intelligence 2.0, đồng sáng lập TalentSmart, nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các bài kiểm tra và huấn luyện trí tuệ cảm xúc cho hơn 75% các công ty lớn trong top Fortune 500.
Chờ đợi tương lai
Một biểu hiện của thói quen này là tự nhủ "Tôi sẽ hạnh phúc khi...". Cách nói nhấn mạnh quá nhiều vào hoàn cảnh.
Tiến sĩ Bradberry khuyên hãy tập trung vào hạnh phúc ngay bây giờ, trong khoảnh khắc hiện tại, vì không có gì đảm bảo cho tương lai.
Dành quá nhiều thời gian và công sức để có được thứ gì đó
Lấy ví dụ người nghèo khổ cùng cực, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc khi tài chính được cải thiện. Tuy nhiên khi thu nhập hàng năm vượt một mức nào đó, cảm giác hạnh phúc sẽ giảm nhanh chóng.
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng vật chất không làm bạn hạnh phúc. Khi luôn giữ mong muốn theo đuổi vật chất, bạn có thể bất hạnh vì khi đã có được chúng, bạn phát hiện phải đánh đổi những hạnh phúc khác, chẳng hạn bạn bè, gia đình và sở thích và cảm thấy thất vọng.
Tránh xa giao tiếp với người khác
Thường khi tâm trạng không vui, chúng ta sẽ có xu hướng muốn tránh xa người khác. Đây là một điều sai lầm, giao lưu, ngay cả khi bạn không thích, rất tốt cho tâm trạng. Từ chối giao tiếp sẽ phá hủy tâm trạng. Hãy thử cố gắng ra ngoài gặp gỡ mọi người khi đang buồn, bạn sẽ thấy sự khác biệt.
Tự coi mình là nạn nhân
Những người không hạnh phúc sẽ có suy nghĩ mặc định rằng cuộc sống vừa khó khăn vừa nằm ngoài tầm kiểm soát. Nói cách khác, cuộc sống hãm hại và họ không thể làm gì. Từ quan điểm này họ tự cảm thấy bản thân bất lực. Những người bất lực không có khả năng hành động để cải thiện mọi thứ.
Trong cuộc sống chắc chắn không thể thiếu những lúc chán nản, nhưng đừng vì nó mà đánh mất quan điểm lạc quan. Bạn không phải người duy nhất gặp điều tồi tệ và có thể kiểm soát tương lai, miễn là hành động.
Bi quan
Đồng hành với thói quen phía trên là sự bi quan. Không gì thúc đẩy bất hạnh nhanh bằng bi quan. Bi quan không hề giúp tâm trạng buồn bã của bạn khá lên, mà còn như một lời tiên tri tự ứng nghiệm: Nếu luôn suy nghĩ về điều tồi tệ, bạn nhiều khả năng sẽ nhận lấy điều tồi tệ.
Những suy nghĩ bi quan rất khó thoát ra cho đến khi bạn nhận ra chúng phi logic thế nào. Ép mình nhìn nhận sự thật khi và bạn sẽ thấy thực tế không tồi tệ như bề ngoài.
Than phiền
Than phiền là hành vi tự củng cố. Liên tục nói, suy nghĩ về việc mọi thứ tệ thế nào, bạn khẳng định lại niềm tin tiêu cực của mình. Dù việc than phiền đôi lúc cũng giúp giải tỏa cảm xúc khó chịu. Nhưng theo chuyên gia Travis Bradberry, có một ranh giới mong manh giữa than phiền giúp trị liệu và việc nó thúc đẩy sự bất hạnh.
Than phiền liên tục không những khiến bạn thêm sầu não, còn khiến người khác tránh xa bạn.
Thổi phồng sự việc
Ai cũng sẽ gặp điều tồi tệ. Sự khác biệt là người hạnh phúc nhìn nhận chúng như bản chất của chúng, trong khi người bất hạnh coi đó là bằng chứng cuộc sống chống lại họ.
Người hạnh phúc khi rơi vào tình huống gặp tai nạn trên đường đi làm, họ sẽ chỉ nghĩ "May mà chỉ xước xát''. Người không hạnh phúc cho đó là dấu hiệu cho thấy ngày, tháng, thậm chí cả đời họ luôn gặp phải điều xui xẻo.
Che giấu sai lầm
Người hạnh phúc chịu trách nhiệm cho hành động của họ, sẵn sàng thừa nhận khi mắc sai lầm. Người không hạnh phúc thấy các vấn đề và lỗi lầm là mối đe dọa nên có xu hướng che giấu.
Các vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi chúng bị bỏ qua. Càng không giải quyết vấn đề, bạn càng thấy như thể không thể giải quyết chúng. Sau đó, bạn nghĩ mình là nạn nhân.
Không cải thiện
Người không hạnh phúc là người bi quan, mang cảm giác bất lực trước cuộc sống. Họ chọn ngồi yên, đợi mọi thứ tự xảy đến thay vì đặt mục tiêu, học hỏi và cải thiện. Rồi họ sẽ tự hỏi sao mọi thứ không bao giờ thay đổi.
Hay so sánh với người khác
Hạnh phúc không đến với người ghen tị, đố kỵ. Nếu bạn liên tục so sánh mình với người khác, hãy dừng lại.
Một khảo sát cho thấy hầu hết người tham gia đều nói họ ổn với việc kiếm được ít tiền, nhưng chỉ khi người khác cũng vậy. Travis Bradberry khuyên nên cảnh giác với kiểu suy nghĩ này, vì nó không khiến bạn hạnh phúc mà có tác dụng ngược lại.