Làm sao để lái xe đưa rước an toàn? Nếu nói về kỹ năng lái xe trong trường hợp này có thể là thừa – vì đa phần tài xế xe đưa rước là những người có tuổi, có kinh nghiệm lái xe nhiều năm và trầm tĩnh trong khi lái. Do đó, vấn đề đáng nói nhất vẫn là sự cẩn thận, chú tâm khi lái xe.
So với việc lái xe khách hay xe buýt, công việc lái xe đưa rước khó hơn nhiều bởi tài xế phải đóng nhiều vai trò: giáo viên, cha mẹ, tài xế riêng, người bảo vệ trẻ. Công việc này đòi hỏi trách nhiệm lớn khi phải chở cùng lúc vài chục em học sinh.
Dưới đây là lời khuyên được tổng kết từ các tài xế xe đưa rước lâu năm, giúp các tài xế lái xe an toàn và đảm bảo được bình an cho trẻ - trên hành trình đến trường mỗi ngày.
Hãy chăm sóc tốt bản thân
Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, tài xế xe đưa rước không thể làm tốt công việc của mình trừ khi họ chăm sóc tốt bản thân. Đây cũng là bước chuẩn bị để đảm bảo cho các hành khách “bé nhỏ” luôn trong tình trạng tốt nhất.
Điều này có nghĩa là, tài xế cần:
- Tránh rượu, bia và ma túy – điều có thể làm giảm kỹ năng hoạt động vào ngày hôm sau.
- Ngủ ít nhất 7 tiếng vào ban đêm.
- Ăn uống đầy đủ để đảm bảo cho cơ thể trong tình trạng thể chất tốt nhất.
- Để lại các vấn đề cuộc sống và đặc biệt là vấn đề tình cảm, gia đình ở nhà.
Luôn kiểm tra xe buýt
Tài xế và xe đưa rước là đối tác. Do đó, các bác tài hãy tìm hiểu xe kỹ càng và luôn kiểm tra lại xe vào mỗi buổi sáng – trước mỗi cuộc hành trình. Sẽ có rất nhiều thứ cơ bản nhưng quan trọng để kiểm tra như:
- Xe buýt sạch sẽ.
- Bình xăng đầy.
- Những chiếc ghế chắc chắn.
- Lốp xe ở mức áp suất phù hợp.
- Hệ thống điều hòa không khí, GPS, đèn chiếu sáng… đều hoạt động bình thường.
Tuân thủ lộ trình
Sẽ rất khó để cảm thấy thoải mái khi tài xế xe đưa rước phải tuân thủ lịch trình tuyến đường nghiêm ngặt, với nhiều nút giao thông đông đúc. Do đó, các bác tài cần dành thời gian để khảo sát tuyến đường vào nhiều thời điểm trong ngày để làm quen với các kiểu giao thông.
Nếu bác tài lo lắng rằng sẽ không có đủ thời gian để đưa trẻ đến trường trước giờ vào học, hãy trao đổi lại với nhà trường và các bậc phụ huynh để sắp xếp khung giờ đưa đón phù hợp.
Ngoài ra, bác tài hãy cần xác định vị trí tất cả các địa chỉ và điểm dừng xe buýt chính xác trước khi đưa những vị khách trẻ em vào cuộc hành trình.
Giữ cho mắt chuyển động
Khi học lấy bằng lái xe, các bác tài sẽ được nhắc phải thường xuyên kiểm tra các gương và điểm mù. Tuy nhiên, khi lái xe đưa rước, việc quan sát trở nên phức tạp hơn nhiều.
Các tài xế lão làng khuyên rằng, tài xế xe đưa rước cần di chuyển tiêu điểm nhìn của mình khoảng 2 giây một lần để giữ an toàn trong các điều kiện thay đổi liên tục: quan sát giao thông, đánh giá những ô tô phía trước, phía sau có thể vi phạm vạch dừng, điều hướng xe, giám sát hành khách nhỏ phía sau, quan sát các học sinh khi các em lên xuống xe…
Điều này rồi sẽ dần trở nên quen thuộc, nhưng các bác tài sẽ phải làm quen thêm với việc vừa quan sát vừa phải chú ý tới “hành khách nhỏ” nào đó kéo tay áo hỏi chuyện, rồi đếm học trò lên xuống đủ chưa; để mắt đến những trẻ em có thể bị lạm dụng...
Các bác tài sẽ tự nhiên phát triển kỹ năng quan sát cũng như phải làm thật nhiều vai trò cùng lúc, do đó hãy thật chú tâm và loại bỏ bớt sự “nóng nảy” nếu đám học trò “nhiều chuyện” hoặc ồn ào!
Học cách lắng nghe
Bình tĩnh là điều vô cùng cần thiết - ngay cả trong sự hỗn loạn, ồn ào cười nói, nô đùa của các học sinh. Các bác tài sẽ không nên bỏ qua câu hỏi của học sinh hoặc hướng dẫn phụ huynh bởi nhiều trẻ gặp khó khăn khi đi lại bằng xe đưa rước. Nếu lắng nghe, các bác tài có thể nhận được một số lời khuyên có giá trị về cách giúp học sinh dễ dàng di chuyển hơn.
Theo thời gian, các bác tài sẽ quen với trẻ và sẽ biết được liệu một trẻ có phải là hay “nói nhiều, nói nhảm” hay không, nhưng cho đến biết được thực hư điều này, bác tài nên kiên nhẫn nghe và hướng dẫn trẻ từng tí một – như một người cha, người ông vậy.
Luôn trong tâm thế đề phòng
Tài xế xe đưa rước không bao giờ được mất cảnh giác bởi bản thân đang bảo vệ tài sản quý giá nhất của nhiều gia đình.
Xe đưa rước trẻ vốn không có còi giống như xe cứu thương, nhưng tài xế cần làm mọi thứ trong khả năng của mình để gây chú ý khi tham gia giao thông. Hãy chắc chắn rằng, bác tài ra hiệu đúng cách, tấp vào lề đúng luật và đừng để trẻ rời khỏi xe trừ khi biết điểm đến an toàn.
Nếu bác tài nghi ngờ một phương tiện khác không chú ý, một cú bấm còi nhẹ là điều cần thiết để nhắc nhở các xe khác nhường đường cho các em học sinh lên xuống xe.
Sau khi tất cả trẻ xuống xe, tài xế hãy xem xét kỹ trên xe (xem còn em nào ngủ quên không) và hãy đi vòng quanh xe để xem còn em nhỏ nào đứng, ngồi gần xe không – điều này không bao giờ thừa và sẽ giúp các tài xế tránh tai nạn đáng tiếc – trong trường hợp không may, trẻ đứng ngay ở vị trí điểm mù.
Trong điều kiện giao thông đông đúc, các xe luôn bấm còi thúc giục, việc xe đưa rước quay đầu ở đoạn đường đông, hẹp sẽ khó khăn. Các bác tài dù kinh nghiệm đến mấy cũng hãy cẩn thận quan sát xung quanh và tìm vị trí có thể quay đầu mà ít ảnh hưởng tới giao thông trên đường nhất.
Ngoài ra, các tài xế cần chú ý: Không nghe máy nghe nhạc, không chơi trò chơi điện tử cầm tay có thể dẫn đến mất tập trung và dễ xảy ra tai nạn; không đội mũ trùm đầu khi lái xe vì nó có thể gây khó khăn cho việc nghe và quan sát tình hình giao thông.
Với một chút nhiệt huyết, một chút quan tâm, một tấm lòng yêu trẻ cùng với thật nhiều sự thận trọng khi lái xe - các bác tài xe đưa rước chắc chắn sẽ luôn có những hành trình an toàn và vui vẻ cùng các em học sinh mỗi ngày.