Nguy cơ cháy nổ cao từ việc đốt vàng mã
Người Việt Nam coi Rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng trong năm nên dịp này nhiều người không tiếc tiền mua sắm đồ lễ, đi chùa cúng bái, đặc biệt là đốt rất nhiều vàng mã để "gửi" cho tổ tiên, người đã mất trong gia đình, dòng họ.
Xem thêm: Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bỏ tục đốt vàng mã
Đây cũng là nguyên nhân mà hầu như năm nào, tại các địa phương cũng xảy ra các vụ cháy nổ liên quan đến việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã. Do diện tích chật hẹp, nhiều gia đình “hóa vàng” ở bất cứ đâu miễn là tiện lợi (đốt trực tiếp trước sân nhà, hè phố), dễ gây bén lửa vào các vật dụng trong nhà.
Điều này đặc biệt nguy hiểm, nhất là tại các khu đô thị, chung cư đông đúc, chợ dân sinh… trong giai đoạn nắng nóng cao điểm của miền Nam.
Để đảm bảo an toàn khi thờ cúng, đốt vàng mã trong ngày Rằm tháng Giêng, người dân cần chú ý:
- Cẩn trọng việc thắp hương, thắp nến thờ cúng và đốt vàng mã. Phải có người theo dõi quá trình đốt và không đốt nhang, đốt đèn xong rồi bỏ đi trước khi nhang, đèn đã tắt hoàn toàn;
- Đốt nhang cách xa trần gỗ, xa các vật dụng dễ cháy;
- Không nên đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có khối lượng lớn như nhà lầu, xe hơi… để tránh nguy cơ gây hỏa hoạn;
- Nên đốt vàng mã ở nơi cách xa các vật liệu dễ cháy.
- Khi đốt vàng mã, phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro, đề phòng cháy ngầm.
- Tuyệt đối không đốt vàng mã ở những nơi cấm như: chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy.
- Các thiết bị điện được bố trí trên bàn thờ cần đảm bảo an toàn PCCC về điện, dây dẫn đảm bảo cường độ dòng điện, hệ thống điện cần phải có aptomat để tránh sự cố về điện có thể gây ra cháy.
- Tại các chợ, phải có khu vực riêng cho việc đốt hương, thờ cúng của tiểu thương…
Nhiều vụ cháy cỏ rác tại TPHCM trong đầu tháng 2
Chỉ tính riêng trong ngày 10/2/2022, tại TPHCM đã xảy ra 6 vụ cháy liên quan đến cỏ, rác.
Điển hình là vào lúc 12 giờ 20 phút ngày 10/2, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TPHCM nhận được tin báo cháy cỏ tại bãi đất trống trên đường Nguyễn Cơ Thạch (P.An Khánh, TP. Thủ Đức).
20 phút sau, đơn vị tiếp tục tiếp nhận tin báo từ người dân xảy ra cháy cỏ tại bãi đất trống trên đường 103, P.Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức. Tiếp theo đó, vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 10/2, một vụ cháy đã xảy ra gần cầu số 3, P.15, Q.8…
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TPHCM đã điều động các đội PCCC&CNCH triển khai lực lượng, phương tiện dập tắt các đám cháy này.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TPHCM, tại các quận, huyện ven thành phố, do có nhiều khu đất trống bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm, người dân lo sợ dịch bệnh từ muỗi, rắn rết, mùi hôi từ rác thải chất lâu ngày gây mất vệ sinh môi trường nên đã phát quang bụi rậm, đốt cỏ, rác. Do không cẩn thận và lường trước được sự phát triển của ngọn lửa nên đã có nhiều vụ cháy cỏ, rác xảy ra.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TPHCM đánh giá, khu vực miền Nam đang bước vào mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài, hanh khô dễ dẫn tới nguy cơ cháy cỏ rác tại các khu đất trống. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường, sức khỏe cộng đồng, tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Để đề phòng cháy cỏ, rác gây cháy lan, cháy lớn và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự chung, người dân nên có các biện pháp đảm bảo an toàn cháy cỏ, rác như sau:
- Người dân khi triển khai đốt cỏ rác phải thông báo cho chính quyền địa phương, lực lượng PCCC chuyên nghiệp.
- Tuyệt đối không được đốt cỏ, rác vào buổi trưa có gió to.
- Để kiểm soát đám cháy, không đốt đồng loạt trên diện tích lớn.
- Chủ động phát quang, cắt cỏ xung quanh gần khu vực khu dân cư, các dự án và công trình xây dựng nhằm tạo khoảng cách chống cháy lan.
- Chủ đầu tư các dự án công trình đang và chưa xây dựng thường xuyên phát hoang, bố trí lực lượng ứng trực và phương tiện chữa cháy. Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra cháy tại dự án.
- Kiểm tra việc niêm yết các biển báo cấm lửa, cấm hút thuốc, cấm đốt tại các các dự án công trình đang và chưa xây dựng, đặt ở nơi dễ thấy, còn nhìn rõ bảng hiệu.
- Khi xảy ra cháy, tổ chức chữa cháy kịp thời, phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư hậu cần tại chỗ”, đồng thời nhanh chóng báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chuyên nghiệp (Số điện thoại 114 hoặc Ứng dụng Help 114) và các cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
- Tuyệt đối không chủ quan tự cứu chữa đến khi đám cháy phát triển lớn, phức tạp rồi mới báo cháy cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.