Cấp bách bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình

VOH - "Không có lửa thì sao có khói", "Nó phải làm sao đó thì mới bị chồng đánh",...

Đó là những bình luận thường thấy dưới những bài đăng liên quan đến các vụ bạo hành gia đình trên báo chí hay các trang mạng xã hội.

Những lời này như một lời bênh vực "vô lý" cho những kẻ "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân" với những người thân trong gia đình mình. Và hơn cả là một sự cổ xúy cho các vụ bạo hành tiếp tục xảy ra và trở nên ngày càng nhức nhối.  

Cách đây không lâu vụ việc "người tình của chồng" hành hạ bé gái 8 tuổi tử vong ở TPHCM, hay người phụ nữ mang thai 7 tháng bị chồng bạo hành với hơn 200 vết thương trên cơ thể... khiến dư luận bức xúc.

Nhưng đó chỉ là những vụ việc được phanh phui và đưa lên mặt báo. Còn hàng ngày, hàng giờ, còn có bao nhiêu người đang chịu những tổn thương về thể xác và tinh thần xuất phát từ bạo lực gia đình. 

Cấp bách bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình 1
Ảnh minh họa: Trọng Lưu

Theo Bộ VH-TT-DL, trong giai đoạn 2009-2021, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương phát hiện trên cả nước là hơn 320 ngàn vụ. 

Kết quả Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng.

Cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ.  

Ở Việt Nam, bạo lực gia đình là một vấn đề cấp bách, đặc biệt khi phát hiện ra rằng tỷ lệ này chiếm tỷ lệ cao trong các dạng bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Các hình thức bạo lực gia đình bao gồm: bạo hành tâm lý, bạo hành vật lý, bạo hành tình dục, bạo hành kinh tế và bạo hành ngược đãi.

Bạo lực gia đình: Vì đâu?

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình có thể được phân loại thành nhiều nhóm khác nhau, có thể xuất phát từ lo âu, căng thẳng và áp lực trong việc làm, kinh tế hay cuộc sống hàng ngày.

Sức khỏe tâm lý, tình dục, chất kích thích, hay giới tính... cũng nằm trong số những vấn đề làm bùng phát những hành vi gây tổn thương của các thành viên trong gia đình.

Cấp bách bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình 2
Ảnh minh họa: Internet

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh nhận định, nguyên nhân cốt lỗi đến từ chính những thành viên trong gia đình. Đó là những xung đột với nhau về lợi ích, tinh thần, tiền bạc, và về đời sống xã hội.

"Điều này dẫn đến việc các thành viên trong gia đình trở nên tức giận, bực tức và dễ bị kích động", bà Hạnh cho biết.  

Phòng chống bạo lực gia đình như thế nào?

Bạo lực gia đình là một vấn đề nghiêm trọng đang diễn ra trên toàn thế giới, không chỉ riêng tại Việt Nam.

Và cấp thiết nhất trong phòng chống bạo lực gia đình là đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là những người yếu thế như trẻ em và phụ nữ.

Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh: “Để tránh những căng thẳng dẫn đến bạo hành thì trước hết phải chế ngự cảm xúc của bản thân, khi dung hòa được với chính thân tâm của mình thì mới có thể giữ được hòa khí với người xung quanh"  

Trong những tình huống cấp bách, nguy hiểm,... người bị bạo lực gia đình cần ngay lập tức tìm sự giúp đỡ và hỗ trợ từ các tổ chức hoặc cơ quan xã hội.

Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, người bị bạo lực gia đình có quyền trình báo, yêu cầu hỗ trợ và được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Cơ quan nhà nước có trách nhiệm đưa ra các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực trong gia đình và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực gia đình.

Người bị bạo lực gia đình có quyền được cấp giấy tờ tạm trú, tạm trú tại cơ sở tiếp nhận bảo vệ, được cung cấp thông tin, tư vấn về pháp luật, tâm lý và sức khỏe.                                                                                                                           

Cộng đồng và các tổ chức xã hội có trách nhiệm tham gia vào việc phòng chống bạo lực gia đình, giúp đỡ người bị bạo lực trong gia đình và phản đối mọi hành vi bạo lực gia đình.

Bình luận