Chăm sóc và bảo vệ an toàn cho trẻ em trong đại dịch Covid-19

(VOH) - Sáng nay (17/4), Báo  Phụ Nữ TPHCM phối hợp với Công ty TNHH Kao Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 6 tổ chức tọa đàm với chủ đề “Chăm sóc con trong mùa dịch”.

Chương trình có sự tham gia của 200 nữ công nhân lao động nhập cư nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về sức khỏe, tình yêu - hôn nhân, gia đình và cách phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ hạnh phúc phụ nữ trẻ em.

Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em.

Một số báo cáo gần đây từ các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cho thấy, hạn chế đi lại, cách ly xã hội và những biện pháp ngăn chặn bệnh dịch khác, đi kèm với áp lực kinh tế và xã hội tăng lên đối với các gia đình đang dẫn đến bạo lực tăng lên, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái.

bảo vệ an toàn cho trẻ, đại dịch Covid-19
Các chuyên gia tâm lý, luật sư, bác sĩ trao đổi các kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong mùa dịch

Theo số liệu của Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc UN WOMEN, ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực gia đình tăng từ 30 - 300%. Tại Việt Nam, 21 triệu trẻ em không đến trường và cách ly ở nhà trong thời gian qua. Hiện thực mới này tác động trực tiếp đến sự chăm sóc, bảo vệ và an toàn của trẻ em.

Là một công nhân xa quê đến TPHCM làm việc, chị Lục Thị Ngọc – Công nhân ở khu nhà trọ trên đường Lý Chiêu Hoàng, Phường 10, Quận 6 chia sẻ, bản thân chị chưa gặp những trường hợp bạo lực nghiêm trọng nhưng thường xuyên chứng kiến các phụ huynh khác trong khu nhà trọ nạt nộ, quát mắng trẻ khiến trẻ sợ hãi, điều đó rất ảnh hưởng đến tâm lý trẻ sau này.

“Tôi hiện có em bé được 3 tháng rồi. Tôi rất thích tham gia những hội nghị như thế này, nó giúp tôi có thêm nhiều kiến thức để biết cách dạy con đúng hơn. Hoặc khi những người xung quanh mình có những xung đột, mâu thuẫn thì mình cũng biết cách nói chuyện để họ có cách giải quyết tốt hơn thay vì suốt ngày quát tháo những đứa trẻ như vậy” – chị Ngọc tâm sự.

Tại buổi tọa đàm, bà Lương Thanh Trúc – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 6 cho biết, cùng với việc chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, tăng sức đề kháng về thể chất, là nhắc trẻ rửa tay, vệ sinh cá nhân, khử khuẩn, tuân thủ quy tắc 5K... còn có cả câu chuyện nữa là phải chú ý quan tâm bảo vệ kịp thời cho trẻ về sức khỏe tinh thần và sức khỏe giới tính.

Theo bà Trúc: "Đây là một chương trình cần thiết trong thời điểm hiện nay, bởi việc chăm sóc, quản lý, giáo dục con em trong gia đình rất quan trọng, làm sao hiểu được những kỹ năng, kiến thức cơ bản cũng như hiểu được tâm lý của trẻ để định hướng và đồng hành cùng con trong cuộc sống".

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội Trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, trong đợt dịch vừa qua, khó khăn là khi nhiều gia đình gọi đến kêu cứu nhưng không được hỗ trợ ngay do các lực lượng phải tham gia tuyến đầu chống dịch. Thực tế, Hội đã tiếp nhận các vụ việc qua đường dây nóng và số điện thoại cá nhân nhiều hơn.

Chỉ trong vòng 7 tháng trở lại đây ghi nhận khoảng 27 cuộc gọi đến báo về tình trạng bạo lực gia đình, nhiều vụ việc liên quan đến cha mẹ hành hung con cái, nhất là các em nhỏ phải sống lệ thuộc vào gia đình, không nói được với ai, chỉ khi hàng xóm phát hiện và gọi cho Hội Bảo vệ Quyền trẻ em.

“Sau mùa dịch chúng tôi cũng giải quyết đồng bộ các vụ việc nhưng chứng cứ hơi yếu. Chẳng hạn như việc phải đi giám định thì trong mùa dịch chúng ta tập trung chống dịch. Do chứng cứ yếu nên chúng tôi xử lý và phạt vi phạm hành chính một số gia đình.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tuyên truyền là khi gặp vấn đề gì thì cũng đến Hội Phụ nữ và về phía công an phải đi chống dịch, không kịp xử lý thì Hội Phụ nữ lập biên bản và sau mùa dịch chúng tôi sẽ bảo vệ quyền và lợi ích cho các em” – bà Nữ khuyên.

Nói về giải pháp, Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân – nguyên Giảng viên khoa tâm lý học trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, bản thân trẻ cũng cần trang bị những cách tự bảo vệ.

Để tăng sự lành mạnh hơn về mặt tâm lý thì chính phụ huynh hoặc thầy, cô giáo cần đưa ra các giải pháp để trẻ có thể tự bảo vệ cảm xúc lẫn những khó khăn về tinh thần để thân thể được an toàn hơn.

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân lưu ý: “Bản thân mỗi người cần trang bị khả năng thích ứng với đại dịch, những khó khăn hoặc sự cố trong cuộc sống thường ngày. Đồng thời bản thân mỗi người cần hiểu rằng khi cảm xúc của mình không ổn định hoặc nóng nảy không thể kiềm chế cảm xúc thì sẽ để lại hậu quả gì.

Khi nghĩ tới hậu quả thì khả năng thực hiện hành vi sẽ giảm bớt mức độ căng thẳng hoặc mức độ gây tổn thương.

Nếu các thành viên trong gia đình không thể tự giải quyết vấn đề thì nên tìm các nhà chuyên môn để có thể được hỗ trợ về mặt tâm lý tốt hơn”.

Bình luận