Chờ...

Con lên mạng khoe giàu khiến người bố quan chức bị điều tra tham nhũng

(VOH) - Một quan chức ngành thuế tại Indonesia đã bị điều tra vì tội tham nhũng sau khi con trai của ông hành hung người khác đến bất tỉnh và thường xuyên khoe khoang cuộc sống giàu có lên mạng xã hội

Vào tháng trước, một đoạn video dài 57 giây ghi lại cảnh Mario Dandy Satriyo, sinh viên đại học, đang đánh đập tàn bạo một thiếu niên 17 tuổi đến bất tỉnh khiến cộng đồng mạng tại Indonesia “dậy sóng”.

Satriyo bị bắt sau đó. Nạn nhân trong vụ việc là bạn trai cũ của bạn gái Satriyo. Hiện tại, nạn nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng không hoàn toàn tỉnh táo và vẫn đang được điều trị tích cực trong bệnh viện. 

Sau vụ việc, cư dân mạng Indonesia đã tìm ra trang Facebook cá nhân và lý lịch chi tiết của Mario Dandy Satriyo. Theo đó, anh là con trai của Rafael Alun Trisambodo, một quan chức đang làm việc trong ngành thuế tại thủ đô Jakarta.

Con lên mạng khoe giàu khiến người bố quan chức bị điều tra tham nhũng 1
Rafael Alun Trisambodo, quan chức ngành thuế Indonesia, đang bị điều tra tham nhũng vì con trai khoe cuộc sống giàu sang lên mạng xã hội - Nguồn ảnh: Báo Dân trí

Trên trang cá nhân, Satriyo thường xuyên đăng tải những hình ảnh và video về cuộc sống “sang chảnh” của mình. Trong đó, Satriyo khoe sở hữu một chiếc mô tô Harley Davidson và chiếc xe SUV đắt tiền Jeep Wrangler, cả 2 mẫu xe đều đáng giá gấp nhiều lần so với mức lương trung bình của người Indonesia.

Cư dân mạng nước này đặt ra câu hỏi, với mức thu nhập của một công chức ngành thuế, làm cách nào mà gia đình Satriyo lại có thể xoay xở giúp cậu có được cuộc sống sang trọng và sở hữu những chiếc xe đắt tiền như vậy?

Trước làn sóng phẫn nộ của cư dân mạng nhằm vào gia đình Satriyo, cuối tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết đã đình chỉ công việc của Rafael Alun Trisambodo và tiến hành điều tra về khối tài sản của ông này.

Nhiều nguồn tin cho biết, Trisambodo hiện đang sở hữu khối tài sản lên đến 600 tỷ rupiah Indonesia (tương đương 38,7 triệu USD).

Ủy ban Phòng chống Tham nhũng của Indonesia đã tiến hành thẩm vấn Trisambodo. Trung tâm Báo cáo và Phân tích Giao dịch tài chính trực thuộc chính phủ Indonesia cho biết, Trisambodo có nhiều tài khoản ngân hàng và đã tìm cách che giấu khối tài sản của mình một cách tinh vi.

Hiện nay, mức đóng thuế tại Indonesia dao động từ 5 đến 35%, tùy thuộc vào thu nhập. Bộ Tài chính Indonesia cho biết, tính riêng trong tháng 1/2023, quốc gia này đã thu được 162 nghìn tỷ rupiah (tương đương 10,6 tỷ USD), tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Alexander Arifianto, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế RSIS (Singapore) bức xúc nói: “Người dân Indonesia cảm thấy phẫn nộ với sự việc xảy ra vì họ phải nộp thuế và tuân thủ các quy định về thuế, nhưng số tiền họ đóng cuối cùng lại phục vụ cho lối sống xa hoa của nhiều quan chức ngành thuế”.

Luật sư Kamal Pane cho biết: “Chúng tôi thấy tham nhũng không chỉ ở cơ quan thuế mà còn ở nhiều lĩnh vực của chính phủ. Ủy ban Phòng chống Tham nhũng thường tập trung vào các trường hợp gây thất thoát trực tiếp từ ngân sách nhà nước, nhưng còn nhiều trường hợp tham nhũng khác không được để mắt đến, như biển thủ tiền thuế”. Theo Pane, các nhà chức trách cần phải giải thích rõ làm thế nào để các quan chức ngành thuế trở nên giàu có và sở hữu những khối tài sản khổng lồ.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nhận xét, việc các quan chức ngành thuế thể hiện cuộc sống sang trọng là điều không phù hợp và có thể khiến ngành thuế gặp tai tiếng.

"Ngay cả khi những chiếc xe đắt tiền được mua bằng tiền sạch hoặc bằng lương chính thức, việc lái chúng đi khắp nơi và phô trương chúng là không phù hợp với các quan chức, nhân viên của ngành thuế và Bộ Tài chính", bà Indrawati viết trên trang Instagram cá nhân.

Đáng chú ý, Trisambodo không phải là quan chức duy nhất tại Indonesia gặp rắc rối vì con khoe cuộc sống giàu sang trên mạng xã hội.

Trước đó, người đứng đầu Văn phòng Hải quan tỉnh Trung Java cũng đã bị cách chức sau khi con gái của ông này đăng hình ảnh cô đang mặc chiếc váy hàng hiệu có giá 22 triệu rupiah (khoảng 33,6 triệu đồng) lên mạng xã hội. 

Theo báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Indonesia là quốc gia xếp thứ 110 trong số 180 quốc gia, tụt 14 bậc so với năm trước.