Tiêu điểm: Nhân Humanity

Gen Z Trung Quốc tiết kiệm triệt để giữa bất ổn kinh tế

VOH - Thất nghiệp cao, kinh tế suy giảm khiến thế hệ trẻ Trung Quốc buộc phải sống tằn tiện để chuẩn bị cho tương lai đầy bất định.

Lily Li, một giáo viên dạy tiếng Anh tại Thâm Quyến, dù có thu nhập 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 35 triệu đồng), vẫn phải cắt giảm mạnh chi tiêu. Bằng cách từ bỏ các khoản mua sắm quần áo hay vé xem ca nhạc, Lily tiết kiệm tới 80% thu nhập, chỉ vừa đủ trả tiền thuê nhà và chi phí ăn uống cơ bản.

Tương tự, Ava Su, 26 tuổi, nhân viên tại Alibaba, dù có nguồn thu nhập ổn định, vẫn đặt mục tiêu tiết kiệm 2 triệu tệ – gấp 100 lần lương tháng của cô. “Kiếm tiền ngày càng khó hơn trong bối cảnh kinh tế bất ổn. Tôi buộc phải bảo vệ túi tiền của mình,” Su chia sẻ.

genz_voh
Mọi người đi bộ trước bảng quảng cáo trong một ga tàu điện ngầm ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 16/1.- Ảnh: REUTERS/Go Nakamura

Li và Su là hai trong số hàng triệu đại diện cho xu hướng sống tiết kiệm đang phổ biến mạnh mẽ trong thế hệ Gen Z (sinh từ 1997–2012) tại Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Trên mạng xã hội Xiaohongshu, các bạn trẻ dưới 30 tuổi đang tích cực chia sẻ bí quyết tiết kiệm như săn hàng giảm giá, giảm chi phí ăn uống, hoặc dùng hàng nhái. Chủ đề này đã thu hút hơn 1,5 triệu bài đăng và 130 triệu lượt xem, chứng tỏ phong cách sống tối giản đang dần trở thành xu hướng chủ đạo.

Theo dữ liệu từ quỹ thị trường tiền tệ Yu’e Bao (trên ứng dụng Alipay), khách hàng trẻ thực hiện trung bình 20 khoản tiền gửi mỗi tháng trong năm 2024. Đến tháng 5/2024, số tiền duy trì trong tài khoản trung bình của họ đạt gần 3.000 tệ, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

Khác với thế hệ 8X và 9X – những người được hưởng lợi từ thời kỳ kinh tế tăng trưởng nhanh, Gen Z Trung Quốc phải đối mặt với một thực tế ảm đạm hơn.

Ông Ho-Fung, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nhận định thế hệ trước có nhiều cơ hội việc làm với thu nhập tăng đều, giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống. Ngược lại, thế hệ trẻ hiện nay phải gánh chịu hậu quả của suy thoái kinh tế sau đại dịch COVID-19, cùng các chính sách thắt chặt đối với ngành công nghệ.

Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm 16–24 tuổi đạt mức kỷ lục hơn 21% vào tháng 6/2023, buộc chính phủ Trung Quốc phải tạm ngừng công bố số liệu. Đến cuối năm 2024, con số này được điều chỉnh xuống 15,7%, nhưng tình hình vẫn rất đáng lo ngại.

Trước viễn cảnh bất định, nhiều người trẻ đặt mục tiêu tìm được công việc ổn định trong các cơ quan chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà nước – nơi được coi là “bát cơm sắt”. Ava Su cũng đang cân nhắc tham gia kỳ thi công chức để đảm bảo tương lai lâu dài.

Lối sống tiết kiệm của Gen Z Trung Quốc phản ánh sự thay đổi lớn trong tư duy của thế hệ này. Không còn đắm chìm trong triết lý “sống trọn vẹn” như Gen Y, họ tập trung vào việc bảo vệ tài chính, đối mặt với các khái niệm mới như “tang ping” (nằm phẳng) hay “involution” (cảm giác mắc kẹt trong cuộc đua vô nghĩa).

Theo ông Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis Hong Kong, xu hướng “involution” có thể thúc đẩy giảm phát khi các doanh nghiệp phải cạnh tranh giá cả để đáp ứng nhu cầu yếu. Điều này khiến phân khúc sản phẩm tầm trung thu hẹp, làm chậm tốc độ tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mặc dù GDP của Trung Quốc tăng 5% trong năm 2024, các chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục chậm lại trong hai năm tới. Trong bối cảnh đó, một thế hệ trẻ tiết kiệm triệt để đang dần định hình tương lai kinh tế của đất nước tỷ dân.

Bình luận