Chương trình nằm trong khuôn khổ hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 - năm 2024.
Trong chương trình, các khách mời đã chia sẻ về vai trò quan trọng của việc kết nối giữa các đơn vị, cá nhân quan tâm đến sách và truyền đạt sự yêu thích đọc sách, hình thành thói quen, văn hóa của công dân Việt Nam, để kế thừa, phát huy giá trị sách hay trong thời đại công nghệ hiện nay.
Ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty Đường sách TPHCM cho biết: “Ông cha ta đã viết và lưu hành những tác phẩm mà tới giờ này vẫn còn các tác phẩm tiêu biểu như Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều… Đó là những tác phẩm có giá trị truyền thống, vô cùng quý giá và là khởi nguồn văn học từ xa xưa của đất nước.
Những người làm xuất bản đã ý thức kế thừa và phát huy, những giá trị tốt đẹp của những tác phẩm được viết cách đây rất lâu, để phục vụ cho người đọc hiện nay”.
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc trung tâm lưu trữ quốc gia IV, thuộc Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước cho hay, thời gian qua, Trung tâm cũng có nhiều cách để đưa các tài liệu quý đến độc giả, công chúng. Có thể kể đến là việc sử dụng công nghệ, số hóa các tài liệu quý hay trưng bày triển lãm tại các địa phương.
Ông Hùng thông tin thêm: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều sự kiện, trong đó có các cuộc triển lãm ở các địa phương. Đặc biệt tổ chức chuỗi sự kiện di sản với học đường, những phiên bản mộc bản mang nội dung của các tài liệu mộc bản triều Nguyễn, đến với công chúng mà đặc biệt là các em học sinh. Các em học sinh rất hứng thú và chúng tôi sẽ tổ chức nhiều sự kiện hơn nữa để giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống cho công chúng”.
Trong chương trình, công chúng đã được tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của Mộc bản, câu chuyện những bản in đầu tiên của Việt Nam từ Mộc bản - Di sản tư liệu do triều Nguyễn phát triển. Từ đây, giúp những tài liệu lưu trữ thành các trang sách quý ngày nay và tiếp biến thành tư liệu số lan tỏa cho thế hệ sau.
* Tối 18/4, tại Đường sách TPHCM cũng diễn ra đêm nhạc chủ đề “Lời ru Âu Lạc”. Đây là hoạt hưởng ứng các hoạt động “Chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024” và lan tỏa giá trị của lịch sử, văn hóa đến khách du lịch và bạn bè quốc tế.
Đêm nhạc thu hút gần 200 học sinh đến từ trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản.
Đêm nhạc được tổ chức lần đầu tiên với hình thức mới tại Đường Sách: trống kèn và dân vũ – đây là những tiết mục văn nghệ, những hoạt động vốn dĩ khá quen thuộc trong môi trường học đường.
Tại đêm nhạc, các em học sinh đã chuyển tải tinh thần bất khuất, những hình ảnh đẹp của thanh niên, thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang diễn ra gay go ác liệt… Họ là những chiến binh mang trong mình tâm hồn trong sáng, mộng mơ cùng tinh thần lạc quan dũng cảm, giàu nghị lực.
Đêm nhạc được tổ chức với ý nghĩa mở đầu cho việc phát triển hoạt động về đêm, thu hút du khách, để Đường sách không chỉ là con đường về sách, mà còn là một điểm đến du lịch, tham quan trải nghiệm lý thú dành cho du khách. Qua đó, góp phần lan tỏa văn hóa đọc không chỉ tại TPHCM mà còn đến bạn bè trong và ngoài nước.
Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc lần 3, TPHCM sẽ khảo sát tỷ lệ đọc sách năm 2023 của người dân và học sinh trên địa bàn thành phố, nhằm nghiên cứu, đo lường thói quen đọc sách để có cơ sở đánh giá, nghiên cứu về nhu cầu, thói quen đọc, số bản sách mà người dân và học sinh thành phố đã đọc trong năm 2023.
Kết quả khảo sát là cơ sở đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến việc đọc sách của học sinh và người dân. Qua đó, Sở có đề xuất, tham mưu những giải pháp hiệu quả, chính sách phù hợp với thực tiễn của TPHCM nhằm nâng cao chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã trở thành một sự kiện văn hóa quan trọng đối với người dân Việt Nam nói chung và người dân TPHCM nói riêng.
Với nhiều hoạt động phong phú được tổ chức liên tục, sự kiện này được kỳ vọng sẽ trở thành một chương trình văn hóa du lịch nhằm kiến tạo không gian tri thức, điểm đến vui chơi lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân thành phố.