Giải pháp nào để giảm rác trên sông

(VOH) -  Để sớm trả lại đúng nghĩa sự trong xanh cho dòng kênh đòi hỏi sự vào cuộc của cả các ngành chức năng, chính quyền địa phương, đặc biệt là người dân thành phố.

Vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đã khó, kêu gọi người dân bỏ rác đúng nơi quy định, không xả thải bừa bãi trên kênh rạch lại càng khó hơn. Rác trên sông sẽ trôi theo dòng nước, hòa vào lòng kênh, tình trạng ô nhiễm khó thấy sẽ bộc phát trở nên nghiêm trọng, mất rất nhiều thời gian để khôi phục.

Do đó, bảo vệ màu xanh của các dòng kênh cần song hành giữa tuyên truyền và xử phạt thật nghiêm minh bên cạnh kiên trì các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM là giải pháp lâu bền. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tập trung vào việc: thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm sử dụng túi ni-long, đăng ký đổ rác, bỏ rác đúng giờ, đúng địa điểm để đơn vị thu gom...

Nhân rộng các cách làm hay, mô hình sáng tạo, nhất là mô hình “5+1” thành lập nhóm hộ tự quản gia đình liền kề trên cùng tuyến đường, nhắc nhở thực hiện giữ gìn vệ sinh, không xả rác thải ra đường và kênh rạch, buộc họ phải cam kết và gắn với những phong trào thi đua của tổ dân phố, khu phố.

Người dân hai bên bờ kênh sẽ giám sát giúp chính quyền bắt quả tang để xử lý những người cố ý xem dòng kênh như nơi đổ rác. Dọc các dòng kênh cũng có những bảng cấm xả rác, cấm câu cá nhắc nhở khách vãng lai. Cùng với đó là các lực lượng thường xuyên túc trực, nhắc nhở khách vãng lai không xả rác, vứt rác xuống kênh. Những khu vực nào có khả năng là điểm vứt rác thì có nhiều băng rôn, biển cấm để nhắc nhở người xả rác.

Ông Phan Hồng Hải, đội trưởng đội vớt rác trên kênh, Công ty Môi trường đô thị Thành phố mong muốn: "Mọi người nên có ý thức giữ gìn chung vệ sinh môi trường của thành phố như giữ gìn vệ sinh trong nhà mình, như thế thì tôi nghĩ rằng thành phố sẽ sạch hơn và đẹp hơn".

Ảnh minh họa: PN

Các địa phương cần ban hành cơ chế, quy trình quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị phải thực hiện nghiêm các quy định ban hành, đặc biệt là giao trách nhiệm cho chủ tịch phường không để trên địa bàn có rác bỏ bừa bãi.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, người dân tập thể dục ven dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cho rằng: "Dọn vệ sinh cũng quan trọng lắm. Mấy người dọn vệ sinh khi rác tới đâu thu gom liền tới đó thì từ từ người ta thấy, không còn bỏ nữa. Mỗi người có một ý thức tốt thì người khác sẽ bắt chước.

Ở nước ngoài phạt rất nặng chuyện bỏ rác không đúng nơi quy định. Phạt không phải để người ta lấy tiền mà phạt để người lớn ý thức rồi dạy cho lớp trẻ, lớp trẻ sẽ thực hiện theo. Hai ba thế hệ sau sẽ sạch".

Chế tài mạnh và mang tính khả thi nhất là hình thức phạt tiền kèm với hình thức phạt lao động khắc phục hậu quả nhằm tăng cường ý thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh, môi trường chung, bảo vệ môi trường kênh rạch nói riêng.

Các địa phương cắm thêm những biển báo ghi rõ quy định xử phạt, mức tiền phạt đối với hành vi xả rác xuống kênh. Số tiền phạt này cho phép các địa phương giữ lại để sử dụng bồi dưỡng cho lực lượng tuần tra, xử lý để địa phương có động lực quyết tâm ngăn chặn việc xả rác. Giao trách nhiệm cụ thể cho các địa phương về việc này.

Đồng thời, cũng có chế độ khen thưởng xứng đáng cho cá nhân phát hiện các hành vi xả rác, tổ chức cụm dân cư tự quản để giao quản lý từng khu vực cụ thể dọc theo tuyến kênh. Lập “đường dây nóng” để phản ánh cho cơ quan chủ quản công trình tiếp nhận thông tin về các trường hợp đánh bắt cá; các đối tượng tập kết rác, phá hoại các công cụ tiện ích công cộng, phạt nguội nếu có cơ sở ghi nhận hành vi bỏ rác xuống kênh.

Ông Trần Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty Khu Công nghệp Vĩnh Lộc đề xuất: "Mọi khó khăn hầu như xuất phát từ ý thức của người dân, chưa nhận thức rõ tác hại của việc mình làm, tổn hại cho môi trường lâu dài. Do đó, chúng ta cần tuyên truyền kiên trì. Cách thức tuyên truyền nên đa dạng, xoáy vào việc nên thực hiện điều này, nếu không sẽ bị chế tài nặng. Nên có chế tài mạnh mẽ hơn, kiên quyết xử lý. Thực tế đã qua những lần tuyên truyền các tác hại thì, ban đầu chấp hành chưa tốt nhưng khi chế tài đủ mạnh và chúng ta đủ sức thực thi chế tài đó thì việc thực hiện sẽ tương đối ổn".

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, lắp camera, xử phạt là biện pháp chế tài tức thì; giải pháp lâu bền vẫn là vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân. Ngành chức năng rất mong người dân cùng đồng hành với chính quyền, cùng nhau thể hiện trách nhiệm, duy trì sự xanh, sạch của kênh, rạch.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố cho biết thêm: "Thời gian tới, người dân tiếp tục cùng chúng tôi giữ gìn các kênh rạch này, nhất là các hộ dân sống ven kênh rạch, là phải thực hiện giữ rác ở nhà và giao cho người thu gom rác. Đồng thời, vận động người dân giám sát việc thải bỏ rác bừa bãi, đặc biệt là đối với người mua bán hàng rong. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục công tác tuyên truyền vận động thì sẽ xử lý mạnh vi phạm đối với những người thải bỏ rác trên các kênh rạch này".

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang phát triển không ngừng, mỗi ngày lại khoác lên mình chiếc áo mới của sự đổi thay, văn minh, hiện đại. Chính nơi này mang lại cho chúng ta cuộc sống, những phúc lợi từ tinh thần đến vật chất. Vì vậy, bản thân mỗi người sống, làm việc, học tập ở đây, hãy cùng nhau xây dựng thành phố ngày càng đẹp hơn, mát mẻ hơn, xanh tươi hơn.

'Giữ cho các dòng kênh không bị tái ô nhiễm' - Kỳ 1: Còn đó những hành vi thiếu ý thức bỏ rác trên sông