‘Khởi nghiệp và những điều trường học không dạy’

(VOH) – Khởi nghiệp là một trong những cách thức để thế hệ trẻ hiện thực hoá ước mơ và thay đổi cuộc đời.

Tại chương trình “Đối thoại trẻ: Khởi nghiệp, những điều trường học không dạy bạn” nằm trong chuỗi hoạt động của Cà Phê Thứ Bảy diễn ra mới đây, các diễn giả TS Dương Thu - Nhà sáng lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (Sleader) và khách mời Lê Thị Hồng Trang - CEO của C–Brewmaster Beer, Công ty bia thủ công Việt Nam, đã cùng nhau bàn luận, chia sẻ về những ‘bài học từ khởi nghiệp’.

Nhiều nhà khởi nghiệp trẻ gặt hái được thành công từ những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, thiết thực đối với xã hội và con người. Nhưng, đó chỉ là bề nổi trong tảng băng chìm bởi trên thực tế có đến 90% các công ty khởi nghiệp thất bại, 50% doanh nghiệp cố gắng qua được năm thứ 5, chỉ có 33% cố gắng hoạt động cho đến năm thứ 10, gần 40% công ty khởi nghiệp có được lợi nhuận, 82% thất bại vì không kiểm soát được dòng tiền...“Không giống như những gì được học ở nhà trường, có muôn vàn khó khăn đã đến với người khởi nghiệp thiếu kinh nghiệm. Bản thân đã bán 2 căn nhà của gia đình để duy trì “đứa con tinh thần”, một doanh nhân trẻ sau khi thành công chia sẻ.

‘Khởi nghiệp và những điều trường học không dạy’ 1

TS. Liên Trần, CEO. Lê Thị Hồng Trang, TS. Dương Thu (từ trái qua) đang bàn luận về vấn đề khởi nghiệp

Trên thế giới, có nhiều người thành công trong khởi nghiệp nhưng lại không phải những người có thành tích học tập xuất sắc ở trường ví dụ như: Chung Ju Yung, Bill Gate, Steve Jobs, Zuckerberg... đều bỏ dở sự nghiệp học hành và chưa từng tốt nghiệp đại học… Tuy nhiên, dường như mọi người chỉ khăng khăng nhìn về kết quả mà lại bỏ quên quá trình gian khổ dẫn đến thành công. Chương trình đào tạo về khởi nghiệp tại nhà trường rất nhiều nhưng liệu có thực tế khi hiệu quả đem lại không như người trẻ mong đợi.

 “Trường học ít đề cập đến thất bại, hoặc chỉ lướt qua thất bại”

Theo các chuyên gia, trường học là nơi ươm mầm kiến thức, ấp ủ những hoài bão cho sinh viên và là nơi tạo động lực cho sinh viên khởi nghiệp. Vì là cái nôi, là chỗ dựa tinh thần vững chắc vô hình trung đã tạo cho họ một thế giới màu hồng về sự thành công mà quên mất còn có sự thất bại. Nhiều người trẻ hiện nay thường trăn trở về công cuộc khởi nghiệp của mình, vì không có nhiều kinh nghiệm nên ngay từ khi bắt đầu các bạn thường gặp rất nhiều khó khăn. Những khó khăn của người trẻ khởi nghiệp hiện nay như không có đủ để vốn kinh doanh, duy trì sản phẩm, đổi mới công nghệ… Chưa có nền tảng về kiến thức một cách chắc chắn về quản lý nhân sự hoặc tính toán tài chính, các mảng về kỹ thuật, và đặc biệt là chưa hiểu rõ về thị trường mà mình muốn hướng tới.

Lê Thị Hồng Trang – CEO công ty bia thủ công Việt Nam nhấn mạnh: “Đừng bao giờ coi nhẹ sức mạnh của sự kết nối và sự kết nối có được là cho đi và chia sẻ. Hãy chia sẻ và cho đi, những thứ bạn nhận lại sẽ cho bạn bất ngờ”.

Bên cạnh đó vốn cũng là một câu chuyện muôn thuở của người khởi nghiệp, hầu như ai khi mới bước chân vào con đường khởi nghiệp đều gặp phải vấn đề này. Vậy người mới bắt đầu khởi nghiệp sẽ xoay vốn như thế nào trong lúc khó khăn? Đó là tìm được người cùng hợp tác, cùng khởi nghiệp. Khởi nghiệp là việc làm vô vàn khó khăn và thử thách, nên nếu có thể tìm được người cùng chí hướng thì mọi khó khăn sẽ trở nên khó khăn hơn. Trong vấn đề về vốn, thì chúng ta cần tìm kiếm trong các mối quan hệ của mình, những người nào đó hợp với mình để có thể kêu gọi đầu tư”, Diễn giả TS. Dương Thu bày tỏ.

Các chuyên gia khẳng định khởi nghiệp là một câu chuyện dài, là sự thay đổi lớn về tư duy, được bắt đầu với những mục tiêu chưa thực sự rõ ràng và còn nhiều thiếu sót cho những ai mới bắt đầu. Giữa lý thuyết về khởi nghiệp và thực tế khởi nghiệp có một khoảng cách rất lớn. Tuy nhiên, khởi nghiệp luôn dành cho con người đầy bản lĩnh, can trường, luôn có niềm tin và thái độ tích cực tột độ, khi đó thành công sẽ đến với họ.