Lập Xuân rơi vào ngày 22 tháng Chạp, cúng ông Táo|ông Công sao cho đúng lễ?

(VOH) - Tiết Lập Xuân từ 21g59 ngày 22 tháng Chạp, ngày cúng ông Táo là 23 tháng Chạp, tức 4/2/2021 (dương lịch), các gia đình nên chọn thời điểm và cúng ông Táo như thế nào cho đúng lễ?

Vì sao phải cúng ông Táo/ông Công?

Theo truyền thống tín ngưỡng dân gian Việt Nam, hàng năm, đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, người người nhà nhà lại cúng ông Táo/ông Công (hay còn gọi là cúng ông Công, ông Táo). Theo quan niệm dân gian thì ngày này là ngày ông Táo về chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng trên thiên đình những chuyện vừa xảy ra trong một năm vừa qua dưới hạ giới. Để tiễn ông Táo về trời sau một năm ở cùng với dân dưới hạ giới. Người ta bày mâm cúng với cá chép làm phương tiện cho ông Táo bay về trời cùng nhiều món ăn và đồ vật khác.

Năm nay, Lập Xuân ngay trước ngày 23 tháng chạp, cúng ông Táo sao cho đúng lễ? 1
Lễ vật cúng Táo quân tùy mỗi gia đình chủ yếu là thành tâm 

Tiết Lập Xuân nên làm gì?

Cúng ông Táo là ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, còn ngày Lập Xuân (là ngày đầu tiên của tiết Lập Xuân mở đầu 24 tiết khí trong năm) đều là những ngày rất quan trọng. Trong ngày Lập Xuân vạn vật tại gia đình phải an yên, con người tâm thái bình tĩnh, tích cực đón chào vận khí mới.

Năm nay, Lập Xuân bắt đầu từ 21h59 phút ngày 3/2/2021 tức đêm 22/12 âm lịch. Theo tục xưa phải tiến hành lau dọn bàn, đồ thờ, dọn dẹp nhà cửa, lau dọn phòng ngủ, chuyển két sắt lau dọn khu tài vị, tháo bếp lau dọn bếp nấu, di chuyển bàn ghế lau dọn phòng khách, tháo lắp trần nhà... trước 21h ngày 3/2/2021.

Cúng ông Táo

Thời gian bày cỗ cúng ông Táo có thể tùy vào thời điểm khác nhau. Có người cúng buổi sáng, có người cúng buổi chiều ngày 23 tháng Chạp, có người cúng hôm trước. Tuy nhiên, tốt nhất, các gia đình nên cúng vào trước giờ ngọ (tức 12h trưa ngày 23 tháng chạp) để kịp giờ các thần lên thiên đình.

Và cũng theo tập tục, ngày 23 tháng Chạp sau khi cúng ông Táo xong các gia đình sẽ tiến hành rút tỉa chân nhang, lau dọn vệ sinh bàn thờ, tổng vệ sinh phòng thờ hay nơi thờ cúng và nhà cửa luôn để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Tuy nhiên như năm nay khác đặc biệt vì ngày Lập Xuân trước ngày 23 tháng chạp nên thủ tục có khác hơn cho linh hoạt phù hợp lễ nghi.

Dù chúng ta cúng ông Táo ngày nào, trước 23/12 âm hay đúng ngày 23/12 âm vẫn phải tiến hành lau dọn bàn thờ, tổng vệ sinh nhà cửa trước khi bắt đầu bước vào tiết Lập Xuân, tiết khí đầu năm mới.

Nếu gia đình nào cúng ông Táo sớm vào các ngày 19, 20, 21, 22 tháng Chạp (ngày 22/12 phải cúng sáng hoặc cúng chiều không cúng tối) nên rút tỉa chân nhang, dọn dẹp bàn thờ ngay sau khi cúng. Nếu gia đình nào cúng ông Táo đúng ngày 23 tháng Chạp thì cúng xong để an yên, sang sáng ngày 24 hay 25 mới được rút tỉa chân nhang. Vì ngày 23 tháng Chạp năm nay trùng ngày 4/2 - ngày Lập Xuân không thể rút tỉa chân nhang được sẽ gây bất ổn cho vận khí đầu năm mới.

Lễ vật cúng

Lễ vật cúng Táo quân tùy mỗi gia đình chủ yếu là thành tâm nhưng thông thường cần chuẩn bị những lễ vật như sau:

Một bình hoa, đĩa trái cây, ba chén chè trôi nước, đĩa mứt, đĩa trà khô, nhang, đèn, rượu, kẹo, cốm, bánh. Giấy cúng gồm tiền, vàng, bộ đồ, con ngựa…

Ngoài ra cũng tùy mỗi gia đình có thể cúng mâm cơm thường dùng hằng ngày gồm: Cơm, canh, cá, rau, củ kiệu, đĩa thịt luộc hoặc gà luộc, canh măng, miếng… đĩa bánh chưng hay bánh tét để dâng cúng.

Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép. Sau khi cúng xong  thì mang cá chép thả về tự nhiên như sông, suối...Tại miền Trung, các gia đình thường cúng ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Người miền Nam thì gia chủ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.