Một thành phố chi hàng trăm triệu USD để ngăn chặn những “cái chết cô đơn”

VOH - Chính quyền thành phố Seoul công bố sáng kiến “Seoul không cô đơn” nhằm đối phó với tình trạng gia tăng các ca tử vong trong cô độc, còn gọi là "cái chết cô đơn."

Kế hoạch này tập trung vào việc hỗ trợ những cư dân đang gặp khó khăn về cô lập xã hội và sự cô đơn ngày càng gia tăng, đặc biệt sau những báo cáo đáng lo ngại về các trường hợp chết một mình.

"Seoul không cô đơn": Hành động toàn diện chống lại sự cô lập xã hội

Trong 5 năm tới, chính quyền Seoul dự kiến chi 451,3 tỷ won (tương đương 326 triệu USD) để thực hiện sáng kiến này, với mục tiêu chính là can thiệp sớm và đảm bảo không có cư dân nào phải đối mặt với cô đơn kéo dài. Cốt lõi của kế hoạch là “Nền tảng thông minh 24 giờ” - cung cấp hỗ trợ trực tuyến và trực tiếp cho người dân, bao gồm cả người nước ngoài sinh sống tại Seoul.

Điểm nổi bật của nền tảng này là đường dây trợ giúp "Goodbye Loneliness 120," hoạt động 24/7 để tư vấn và hỗ trợ khẩn cấp cho những người đang trải qua cảm giác cô đơn.

Chet 1 minh - Yonhap
Những người đối mặt sự cô đơn, cô lập xã hội ở Seoul có thể tiếp cận nhiều nguồn hỗ trợ - Ảnh: Yonhap.

Dự kiến từ tháng 4/2025, Tổng đài 120 Dasan sẽ cung cấp một đường dây riêng cho những người cần tư vấn, kết nối với các chuyên viên để giải quyết khủng hoảng tinh thần và xã hội.

Tạo ra không gian giao lưu và kết nối xã hội

Seoul sẽ thí điểm các không gian cộng đồng với tên gọi "Cửa hàng tiện lợi trái tim Seoul" – nơi những người cô đơn có thể thưởng thức những bữa ăn đơn giản và trò chuyện với các tư vấn viên. Đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy tương tác xã hội và giảm thiểu sự cô lập.

Thành phố cũng sẽ khuyến khích người dân tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao với chương trình "Thử thách Seoul 365," kèm theo phần thưởng như vé vào Công viên bách thảo hoặc vé cắm trại bên sông Hàn.

Đối phó với thách thức tâm lý

Một trong những điểm nhấn khác của kế hoạch là mở rộng dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm thần cho tất cả cư dân, không chỉ giới hạn trong nhóm nguy cơ cao. Chính quyền Seoul dự kiến mở thêm nhiều trung tâm tư vấn và triển khai dịch vụ tư vấn 1 kèm 1, tiếp cận 20.000 người trong giai đoạn đầu và dần mở rộng quy mô.

Seoul cũng đang xem xét hợp tác với các nền tảng giao đồ ăn, nhằm theo dõi tình trạng cô lập của người dân thông qua các dấu hiệu trực tuyến như tần suất đặt hàng. Điều này giúp chính quyền nhận diện sớm các trường hợp cần can thiệp khẩn cấp.

Xóa bỏ định kiến và thay đổi nhận thức

Để nâng cao nhận thức về sự cô đơn và các vấn đề liên quan, thành phố sẽ tổ chức "Tuần lễ không cô đơn," với các sự kiện hòa nhạc và diễn thuyết từ những người nổi tiếng đã trải qua cảm giác này. Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cam kết tận dụng tối đa các nguồn lực để biến Seoul trở thành thành phố không cô đơn, nơi mọi người đều nhận được sự quan tâm và hỗ trợ.