1. Nhập viện cấp cứu vì uống nhiều cafe
Đại diện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, ngày 9/11, đơn vị đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 22 tuổi trong tình trạng mất ý thức, gồng cứng toàn thân, mắt lờ đờ, tim đập nhanh, hoang tưởng…
Qua thăm khám, các bác sĩ đã loại trừ nguyên nhân đột quỵ. Ekip điều trị xác định người bệnh bị rối loạn tâm thần, hành vi do cơ thể tiêu thụ quá nhiều chất caffein làm nhịp tim đập nhanh, thay đổi nhịp tim khiến rơi vào loạng choạng, hoa mắt…
Ngay lập tức, bệnh nhân được truyền dịch, dùng thuốc an thần để giảm dần triệu chứng trong thời gian chờ cơ thể đào thải chất caffeine. 3 giờ sau, người bệnh tỉnh táo khi hàm lượng caffein được loại khỏi cơ thể.
Nam thanh niên cho biết, anh tên H.V.M. (22 tuổi). Do làm kinh doanh nên anh có thói quen uống 5 ly cà phê mỗi ngày và làm việc, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, lần này, sau khi uống 3 ly rồi đi giao hàng bằng xe máy thì tim đập nhanh, các cơ tay chân cứng lại, mất ý thức rồi loạng choạng ngã xuống đường.
2. Uống quá nhiều cà phê có tác hại gì?
BSCK2 Lê Hồng Hải, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, cà phê chứa chất thúc đẩy tâm trạng, sự trao đổi chất, tăng hiệu suất tinh thần và công việc. Uống 1-2 ly mỗi ngày giúp người dùng tỉnh táo hơn song nếu uống nhiều hơn có khả năng gây hại cho sức khỏe do một số tác dụng phụ của cà phê.
2.1 Gây lo lắng, mệt mỏi
Khi cơ thể hấp thụ lượng lớn caffeine sẽ gây ra tình trạng lo lắng, bồn chồn, thậm chí thở nhanh và tăng mức độ căng thẳng. Vì vậy, bạn cần theo dõi phản ứng của cơ thể sau khi uống cà phê để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
2.2 Mất ngủ
Tiêu thụ lượng nhỏ caffeine từ cà phê có tác dụng cung cấp năng lượng cho cơ thể và giảm thiểu cảm giác mệt mỏi. Tuy nhiên, lạm dụng quá nhiều sẽ gây phản tác dụng, khiến bạn mất ngủ, thậm chí ngủ không đủ giấc, từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
2.3 Ảnh hưởng tới thận
Uống quá nhiều cà phê sẽ ảnh hưởng đến tuyến thượng thận vì chất cafein trong cà phê khiến tuyến thượng thận làm việc quá sức. Hơn thế, quá tải ở tuyến thượng thận còn gây ảnh hưởng đến cả hệ thống tiêu hóa cũng như cơ thể dễ bị kiệt sức.
2.4 Ảnh hưởng tới dạ dày
Cà phê có nồng độ pH khá thấp. Vì vậy, uống nhiều cà phê, axit vào cơ thể nhiều sẽ dẫn tới các phản ứng không tốt cho dạ dày. Một số triệu chứng thường gặp như khó chịu, đau bụng, khó tiêu. Uống cà phê nhiều và liên tục là nguyên nhân gây ra các bệnh như viêm, loét dạ dày.
2.5 Ảnh hưởng tới gan
Theo nghiên cứu của Viện Quốc gia về Tiểu đường, Tiêu hóa và Thận: với một lượng cà phê vừa phải có thể giúp giải độc gan. Ngược lại, dùng quá nhiều cà phê sẽ gây trở ngại đến chức năng gan, nhất là đối với những ai thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau.
2.6 Tăng nguy cơ gây loãng xương
Caffeine có thể làm tăng lượng canxi được đưa ra ngoài qua nước tiểu, dẫn đến suy yếu xương. Do đó, những bạn bị loãng xương cần tiêu thụ ít hơn 300 mg mỗi ngày (khoảng 2-3 tách cà phê).
Nghiên cứu của Đại học bang Oregon đã chỉ ra, để ngăn ngừa tác dụng phụ của caffeine đến chất lượng xương, bạn cần cung cấp đủ canxi và vitamin D.