Martini Constance Lim, 43 tuổi, từng là giám đốc một công ty công nghệ thông tin nhưng từ năm 2020 chuyển sang ngành dịch vụ việc nhà. Lim thành lập công ty Minimize With Joy, cung cấp các dịch vụ dọn tủ quần áo, phòng ngủ, bếp, chuyển nhà và tổ chức không gian sống.
Một lần, cô nhận được yêu cầu đặc biệt của một khách hàng nhờ dọn đồ của người anh trai đã qua đời. Lim kể lại khi đó, khách hàng của cô không biết phải bắt đầu từ đâu hay làm thế nào để xử lý đồ đạc của người đã khuất, hơn nữa người khách này đang vô cùng đau buồn.
Lim nói, người bình thường muốn dọn dẹp chỉ băn khoăn giữ lại hay vứt đi, họ cũng có thể tặng hoặc bán các món không dùng đến nữa. Nếu chọn giữ lại, họ sẽ tìm chỗ để cất chúng gọn gàng.
Nhưng với đồ vật của người đã mất, tất cả là kỷ niệm, ký ức, dọn dẹp chúng là quá trình “dọn dẹp nỗi buồn”. Người thân của họ khi dọn dẹp cũng phải đối mặt với việc chấp nhận và buông bỏ.
“Họ biết phải vứt cuốn sách này đi nhưng đó là quyển sách yêu thích của người quá cố, thật khó xử”, Lim nói.
Công việc dọn dẹp đặc biệt của Lim đòi hỏi kỹ năng sắp xếp đồ đạc lẫn thấu hiểu cảm xúc khách hàng, giúp họ đối mặt với nỗi buồn và sự sợ hãi. Cô cho họ lời khuyên rằng có nên giữ món đồ đó lại không.
Khách hàng gần đây nhất của Lim là một người mất cha hai năm trước. Khi cô bước vào căn phòng, đồ đạc vẫn được giữ nguyên. Lim chạm vào túi nhựa rỗng trên sàn, nó lập tức rã vụn, chứng tỏ đã nằm ở đây từ rất lâu.
“Nỗi đau vẫn luôn ở đó khi họ thấy đồ vật cũ”, cô nói. Dù vậy, Lim tin có nhiều cách để tôn vinh ký ức người đã khuất.
Lim khuyên họ nên cất giữ đồ trong một chiếc hộp đặt tên là “hộp ký ức”, để tưởng nhớ đến người thân theo cách tích cực. Chiếc hộp không phải lúc nào cũng ở trước mặt bạn và không làm bạn luôn nhớ rằng người thân đã qua đời.
Một khách hàng khác của Lim lưu giữ đồ vật theo cách này, người này giữ hai chiếc điện thoại Panasonic và Nokia cũ của cha trong chiếc hộp. Đây là niềm an ủi giúp cô thỉnh thoảng nhớ về khoảnh khắc ông say sưa với chúng.
Theo Lim, nỗi buồn có thể biểu hiện bằng nhiều cách. “Khi đồ đạc ngăn nắp, chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và sống trọn vẹn hơn”, cô nói.