Ô tô gặp họa vì rơm, rạ trên đường

VOH - Thời tiết nắng nóng, mùa thu hoạch lúa đến, các tài xế cần cảnh giác xe ô tô cuốn phải rơm, rạ phơi trên đường dẫn đến cháy.

Ô tô bốc khói nghi ngút, cháy rụi vì bị rơm, rạ cuốn vào gầm

Ngày 26/5, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, một tổ tuần tra kiểm soát của đơn vị này vừa phối hợp với người dân ứng cứu một chiếc xe hơi khỏi hỏa hoạn.

Sự việc xảy ra vào khoảng 15h30 ngày 25/5 trên địa bàn xã Cẩm Dương.

Thời điểm trên, một chiếc xe con di chuyển trên quốc lộ 15B theo hướng thị trấn Thiên Cầm đi thị trấn Cẩm Xuyên bất ngờ bốc khói nghi ngút. Phát hiện sự việc, Đội CSGT huyện Cẩm Xuyên đang làm nhiệm vụ trên đường cùng với người dân đã kịp thời báo cho chủ xe dừng lại để dập lửa.

Theo đoạn clip do người dân ghi lại, lửa bén từ khu vực gầm xe phía trước. Các cán bộ CSGT và người dân nhanh chóng múc nước dội vào để dập lửa. Một người dân dùng dụng cụ luồn vào gầm xe, kéo ra ngoài một đống rơm bị mắc kẹt đang bốc khói.

Nhờ nỗ lực của nhiều người, đám cháy nhanh chóng được chống chế. Nguyên nhân ban đầu của vụ hỏa hoạn được xác định là do xe lưu thông trên đường bị rơm cuốn vào gầm xe dẫn đến phát lửa.

Video: TTO

Trước đó, chiều 24/5, trên địa bàn thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), xe ô tô của một người đàn ông (trú huyện Diễn Châu) đang chạy trên đường được phát hiện có lửa bốc lên từ phía sau.

Phát hiện sự việc, người dân và chủ xe đã nhanh chóng dùng xô, chậu, kéo vòi dẫn nước để dập lửa. Tuy ngọn lửa được dập tắt nhưng chiếc xe bị cháy một phần phía sau.

Ngay sau đó, lực lượng chức năng thị trấn Anh Sơn có mặt để làm rõ nguyên nhân nhưng chủ xe đã đề nghị tự đưa phương tiện đi sửa chữa. Người dân nhận định nguyên nhân vụ cháy có thể do xe vướng rơm vào gầm trong quá trình di chuyển.

Cũng tại Nghệ An, ngày 21/5, một chiếc ô tô 4 chỗ lưu thông trên tỉnh lộ 538, đoạn qua địa phận xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu bốc cháy dữ dội và bị thiêu rụi hoàn toàn. Nguyên nhân vụ cháy nghi do bị rơm cuốn vào gầm xe.

Tại sao rơm, rạ phơi trên đường có thể gây cháy ô tô?

Khi ô tô hoạt động, bộ xúc tác khí thải có nhiệt độ rất cao, có thời điểm lên đến 1.000 - 1.200 độ C.

Với xe mới, bộ xúc tác hoạt động tốt, không có tình trạng bị nóng rực khi trời nắng nên ít có nguy cơ gây cháy xe hơn. Tuy nhiên, ở xe cũ, bộ xúc tác khí thải có thể hoạt động kém hoặc bị tắc, hư hỏng. Điều này cộng hưởng với nhiệt độ ngoài trời có thể dẫn đến bén lửa, cháy ngay khi gặp rơm, rạ.

Chính vì vậy, để đảm bảo toàn, hạn chế tối đa việc gặp phải tình huống trên, chủ xe nên:

  • Hạn chế đi qua những khu vực, đoạn đường phơi rơm, rạ.
  • Khi phải lưu thông qua các đoạn đường, khu vực có rơm, rạ cần dừng lại để kiểm tra gầm xe, gỡ rơm, rạ ra kịp thời để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ dẫn đến hỏa hoạn.
  • Ngoài ra, nếu phát hiện bộ xúc tác khí thải nóng đỏ, chủ xe nên tiến hành sửa chữa hoặc thay thế. Xe cũng cần được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo an toàn.
Ô tô gặp họa vì rơm, rạ trên đường 1
Phơi thóc, lúa, rơm, rạ trên đường có thể bị xử phạt - Ảnh: An ninh Thủ đô

Phơi thóc, lúa, rơm, rạ trên đường bị phạt như thế nào?

Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức "phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ".

Ngoài ra, cá nhân , tổ chức vi phạm còn "buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ".

Nếu hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ trên đường bộ có dấu hiệu cấu thành tội cản trở giao thông đường bộ thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.