“Tâm lý học trẻ em” giải đáp triệu chứng trầm cảm ở trẻ em

(VOH) - Sáng 18/9, tại Nhà văn hóa Thanh Niên, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức buổi giao lưu trò chuyện với Tiến sĩ Phạm Toàn về chủ đề “Sức khỏe tâm lý tâm thần” và ra mắt cuốn sách “Tâm lý học trẻ em”.

Cuốn sách được chia làm ba phần:

  • Phần 1: Bao gồm 4 chương bàn về các vấn đề sinh hoạt tổng quát liên quan đến lĩnh vực sinh lý cơ thể và tâm lý của con người.
  • Phần 2: Bao gồm 11 chương. Đặc biệt mỗi chương đề cập đến một đề tài liên hệ đến quá trình phát triển các mặt trí tuệ, tính khí, nhận thức, trí nhớ, giới tính… cùng với sự khôn lớn của trẻ trong các bối cảnh gia đình, học đường và xã hội.
  • Phần 3: Bảng thuật ngữ tâm lý học trẻ em.

Cuốn sách “Tâm lý học trẻ em” không đưa ra câu trả lời “ngay tức thì”, vốn không tồn tại trong lĩnh vực giáo dục lẫn tâm lý tâm thần, nhưng cung cấp nhiều thông tin và định hướng để phụ huynh tìm đến câu trả lời tốt nhất dành cho con, trong điều kiện của mình.

cuốn sách “Tâm lý học trẻ em”
Cuốn sách “Tâm lý học trẻ em”

Trong cuốn sách, tác giả giải đáp về các triệu chứng trầm cảm trẻ em, kèm dấu hiệu cảm xúc chung để nhận diện ban đầu. Sách hướng dẫn phụ huynh biết rằng không nên vội kết luận, mà cần đưa con đến các nhà chuyên môn để phỏng vấn sâu và áp dụng thêm các chẩn đoán phân biệt khác.

Tham gia buổi trò chuyện, độc giả Phan Thị Thùy Anh bày tỏ: Mình đã tìm đọc cuốn sách của bác Phạm Toàn về tâm lý học trẻ em. Mình làm trong ngành giáo dục và thấy có rất nhiều trẻ em bị vấn đề về tâm lý tâm thần sau dịch Covid-19. Số lượng trẻ ngày càng tăng lên và rất là nhiều lý do chứ không phải chỉ là bệnh tự kỷ. Mình cảm thấy sách của bác sĩ Phạm Toàn đặc biệt ở chỗ có trích nguồn rõ ràng, có những từ chuyên môn được dịch ra kỹ càng và kinh nghiệm của bác chia sẻ mình đọc rất thú vị".

Về vấn đề tâm lý tâm thần ở trẻ em Việt Nam, Tiến sĩ, bác sĩ tham vấn, trị liệu tâm lý tâm thần Phạm Toàn cho biết: Riêng về vấn đề tâm lý học trẻ em, tôi muốn phụ huynh học sinh cũng giống như các thầy cô dạy về môn sư phạm, hoặc những người thầy người cô dạy trẻ em học hiểu biết rộng rãi về sự phát triển của một đứa trẻ từ lúc sinh ra cho đến lớn lên trên cả hai phương diện, cả thể chất và tâm lý tâm thần.

“Tâm lý học trẻ em”
Tiến sĩ Phạm Toàn chia sẻ trong chương trình

Ở Việt Nam dần dần đã có rất nhiều trung tâm chữa trị trẻ em tự kỷ. Nhưng vấn đề là nhiều người khi nghe nói tự kỷ thì có những trường hợp không tự kỷ vẫn gọi là tự kỷ, cho nên nó thành vấn đề phổ biến. Cho nên tôi muốn biết một đứa trẻ có tự kỷ hay không là phải cần đến những chuyên viên.

Nhân dịp này, Nhà xuất bản Trẻ cũng tái bản hai quyển sách là “Tâm bệnh học” và “Hướng dẫn chẩn đoán tâm thần theo DSM-5” của Tiến sĩ Phạm Toàn.