Tin nhanh chiều 20-3: Bắt nghi can cắt cổ người đàn ông trước hiên nhà

(VOH) – Nghi can cắt cổ người đàn ông trước hiên nhà tại Bình Phước đã bị bắt giữ khi đang lẫn trốn trong vườn của một người dân.

Bình Phước: Nghi can cắt cổ người đàn ông trước hiên nhà bị bắt

Ngày 20-3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) cho biết, đơn vị đã bắt giữ được Nguyễn Duy Cương (30 tuổi, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp), nghi can trong vụ án giết người xảy ra tại ấp Tân Phú, xã Tân Thành.

Nghi can bị bắt giữ khi đang lẩn trốn trong một vườn trái cây của người dân, cách hiện trường vụ án khoảng 1km.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu Cương khai nhận giữa Cương và Nguyệt xảy ra mâu thuẫn vì chơi game bắn cá cộng thêm Nguyệt mượn tiền Cương đi đánh bài nhưng Cương không cho.

Hiện, Công an huyện Bù Đốp đang tạm giữ hình sự Nguyễn Duy Cương để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

Xem thêm: Điều tra vụ người đàn ông bị chém chết trước nhà

Bắt nhóm “cát tặc” đánh chìm ghe, nhảy sông Đồng Nai tẩu thoát

Ngày 20-3, Phòng CSGT đường thủy-Công an TPHCM cho biết, đã bàn giao 5 đối tượng cùng tang vật cho Công an phường Long Bình, TP Thủ Đức để điều tra xử lý về hành vi khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai.

tin-nhanh-chieu-20-3-bat-nghi-can-cat-co-nguoi-dan-ong-truoc-hien-nha-voh-0
Phương tiện của nhóm "cát tặc" tại hiện trường (Ảnh SGGP)

Trước đó, khoảng 2h50 ngày 19-3, tổ công tác Phòng Cảnh sát đường thủy tuần tra thì phát hiện 3 ghe gỗ đang sử dụng vòi bơm công suất lớn để hút cát trái phép trên sông Đồng Nai, đoạn thuộc phường Long Bình, TP Thủ Đức, TPHCM nên tiến hành vây bắt.

Phát hiện tổ công tác, nhóm đối tượng đã tìm cách đánh chìm ghe để phi tang tang vật cùng phương tiện rồi nhảy xuống sông tẩu thoát nhưng bị lực lượng chức năng khống chế và bắt giữ.

Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Đàm Minh Tuấn, Lê Huỳnh Minh Đạt, Nguyễn Minh Thuận, Lê Hùng Thanh và Nguyễn Minh Được. Tại hiện trường, còn có nhiều thiết bị, máy móc, hệ thống bơm cát, vòi rồng công suất lớn và 15 mét khối cát.

Bộ Y tế khẩn trương làm rõ tình hình, dự báo nhiễm virus của trẻ

Ngày 20-3, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; việc thực hiện hợp đồng mua vắc xin AstraZeneca; cấp phép thuốc điều trị Covid-19 và việc thực hiện đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 19-3.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản trước đó liên quan đến việc triển khai mua vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, thực hiện kiểm tra, kiểm điểm và thanh tra nội bộ việc chậm trễ trong triển khai mua vắc xin.

Bộ Y tế cần làm rõ các loại vắc xin có thể tiêm cho trẻ em; tình hình, dự báo nhiễm virus của trẻ em và việc tiêm sau khi bị nhiễm virus; kinh nghiệm của các nước tiêm cho trẻ em. Thông tin thêm về các cam kết tài trợ vắc xin của các nước, trên cơ sở đó kiến nghị tổng số vắc xin cần mua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 21-3-2022.

Về việc thực hiện hợp đồng mua vắc xin AstraZeneca, Bộ Y tế báo cáo rõ về lô vắc xin hơn 1,1 triệu liều đã được đưa về Việt Nam từ ngày 22-12-2021, chính sách giảm giá của AstraZeneca đối với các nước và Việt Nam. Đồng thời báo cáo thêm hơn 73.504 liều vắc xin mà Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) để lại để tiêm miễn phí cho nhân viên…

Đối với việc nhận chuyển giao công nghệ sản xuất và cấp phép thuốc điều trị Covid-19, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc điều trị Covid-19 tại Việt Nam; thực hiện cấp phép cho thuốc điều trị Covid -19 theo đúng tinh thần kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 318 của Văn phòng Chính phủ.

Xem thêm: Chiều 20/3: Đã tiêm hơn 201,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19; nghiên cứu tiêm mũi 4 và trẻ dưới 5 tuổi

Khảo sát dọc sông Sài Gòn-Đồng Nai tìm cách phát triển du lịch đường sông

Ngày 20-3, khoa Văn hóa học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM tổ chức cho các chuyên gia nghiên cứu văn hóa-lịch sử khảo sát dọc theo sông Sài Gòn-Đồng Nai, nhằm thúc đẩy du lịch sông nước mà TP có thể triển khai trong thời gian tới.

tin-nhanh-chieu-20-3-bat-nghi-can-cat-co-nguoi-dan-ong-truoc-hien-nha-voh-1
Qua hàng trăm năm, đôi bờ sông Sài Gòn đã có những phát triển vượt bậc (Ảnh TTO)

Theo TS Nguyễn Thị Hậu (khoa lịch sử), xét về lịch sử, văn hóa, địa lý lẫn sinh hoạt xã hội thì dân cư lưu vực sông Đồng Nai-Sài Gòn gần như không có sự phân biệt, việc phát triển du lịch đường thủy sông Sài Gòn với sông Đồng Nai cũng mang lại thuận lợi và tạo ra được sản phẩm du lịch khá độc đáo, bởi chúng mang tính kết nối cả về không gian, thời gian và lịch sử.

Ngoài ra, ông Phonchanh Phengphouvanh-phó giám đốc Sở Văn hóa, thông tin và du lịch TP Vientiane (Lào), hiện đang là nghiên cứu sinh ngành văn hóa học-cũng nhận định bờ sông Sài Gòn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Qua chuyến khảo sát, đoàn nghiên cứu đang từng bước nỗ lực tái hiện và kết nối lại được chuỗi di sản dọc theo đường sông trước khi góp ý cùng TP phát triển tuyến đường du lịch này.

Mưa trắng trời giải nhiệt giữa trưa nắng tại TPHCM

Sau cơn mưa trưa nay, TPHCM có thể xuất hiện thêm nhiều cơn mưa trái mùa trong những ngày tới

Trưa 20-3, một cơn mưa trái mùa xuất hiện nhiều nơi tại TPHCM, cơn mưa kéo dài khoảng nửa giờ đồng hồ đã giúp giải nhiệt phần nào cho thành phố sau những ngày nắng nóng kéo dài.

Theo ghi nhận, cơn mưa bắt đầu tại khu vực TP Thủ Đức, sau đó lan rộng ra các quận lân cận của TPHCM như Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận… Mưa đổ xuống bất chợt khiến nhiều người đi đường không chuẩn bị sẵn áo mưa, nên trú tạm bên các hàng quán ven đường.

Cơn mưa tuy không quá lớn nhưng đã giúp đường sá TPHCM được "tắm mát" sau nhiều ngày nắng nóng kéo dài.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, trong những ngày tới thời tiết Nam Bộ có thể sẽ tiếp tục có mưa rào vài nơi vào buổi chiều tối, có nơi mưa vừa, mưa to, trong cơn dông đề phòng gió giật mạnh, sét.

Tuy có mưa nhưng nắng nóng vẫn còn xảy ra ở miền Đông Nam Bộ, ở miền Tây vào ban ngày. Nhiệt độ cao nhất có thể lên 34 độ C.