- TPHCM: Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có “câu” bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ?
- Nha Trang: Dầu thô vón cục “đen ngòm” dạt dài suốt 3km bờ biển
- Bắt giữ “nữ quái” trộm cắp tinh vi ở hàng loạt cửa hàng trên địa bàn TP. HCM
- Đà Nẵng: Phạt 200 triệu đồng chủ đầu tư dự án cải tạo bãi rác Khánh Sơn
- Hải Phòng: Cho thuê trái phép đất trường để thu tiền tỷ
TPHCM: Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có “câu” bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ?
Chiều ngày 17/3, lãnh đạo Sở Y tế, đại diện Sở Thông tin và truyền thông cùng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã họp bàn về thông tin "Bệnh viện Ung bướu TP.HCM câu bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ… dưới mác liên kết chuyên môn" trên một tạp chí.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế thành phố cho biết, từ năm 2014 tới nay, do tình hình quá tải của Bệnh viện Ung bướu nên đơn vị này đã xin chủ trương từ UBND về việc liên kết chuyên môn với Bệnh viện Hồng Đức để tổ chức phẫu thuật cho các bệnh nhân có nhu cầu. Điều này nhằm giảm tải và đồng thời thực hiện chủ trương hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế của Chính phủ, Bộ Y tế và lãnh đạo TP.HCM.
Cụ thể, vào ngày 14/1/2015, UBND thành phố đã có công văn chấp thuận cho phép hợp tác chuyên môn giữa Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Hồng Đức nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, góp phần giảm quá tải cho Bệnh viện Ung bướu. Cùng với đó, 2 bệnh viện đã lập đề án liên kết chuyên môn và được giám đốc Sở Y tế phê duyệt vào ngày 31/8/2015.
Cũng theo Sở Y tế TP. HCM, trong suốt 7 năm qua, mỗi năm có khoảng 2% trong tổng số bệnh nhân của Bệnh viện Ung bướu được đưa sang Bệnh viện Hồng Đức mổ. Sở Y tế và bệnh viện chưa nhận được bất cứ khiếu nại nào từ các bệnh nhân này.
Về trường hợp một bệnh nhân xuất hiện trên tạp chí kia, theo Bệnh viện Ung bướu, bệnh nhân này phải thanh toán hơn 17 triệu đồng, trong đó 6 triệu đồng là chi phí phẫu thuật và hơn 11 triệu đồng còn lại sẽ là chi phí cho dịch vụ giường, xét nghiệm, thuốc,…Theo đó, trong 6 triệu đồng trên, Bệnh viện Ung bướu sẽ nhận được 70% để bồi dưỡng cho kíp phẫu thuật và nộp vào ngân sách chung của bệnh viện, ngoài ra không hưởng thêm bất cứ khoản nào khác.
Nha Trang: Dầu thô vón cục “đen ngòm” dạt dài suốt 3km bờ biển
Vào chiều ngày 17/3, du khách ghé thăm biển Nha Trang vô cùng lo lắng khi thấy xuất hiện dầu vón cục với đủ kích cỡ, dạt dài tới khoảng 3km trên bãi cát. Theo đó, những cục dầu này có mùi khét đặc trưng, “đen ngòm” nên một số người dân địa phương cho rằng đây có thể là dầu cặn mà các tàu chở hàng thải trộm ra.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên Ban quản lý vịnh Nha Trang phát hiện dầu vón cục dạt vào bãi biển, tuy nhiên vào lần trước thì số lượng ít hơn. Công nhân của Công ty Môi trường đô thị Nha Trang đã tích cực tiến hành thu gom và xử lý.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác dầu vón cục, đọng trên bờ biển. Bởi trên vịnh Nha Trang chưa ghi nhận sự cố chìm tàu, tràn dầu nào, thợ lặn cũng đã kiểm tra khu vực đáy biển nhưng không thấy dầu.
Xem thêm: Hàng ngàn tàu cá ở ven biển miền Trung “đắp chiếu” vì giá xăng liên tục tăng cao
Bắt giữ “nữ quái” trộm cắp tinh vi ở hàng loạt cửa hàng trên đại bàn TP. HCM
Thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM (phòng PC02) cho biết đã tạm giữ đối tượng Trần Thị Lượm để điều tra hành vi trộm cắp tài sản ở hàng loạt cửa hàng trên địa bàn thành phố.
Theo điều tra ban đầu, gần 1 năm nay, có khoảng 20 cửa hàng rải rác ở các quận của thành phố như quận 1, quận 3, quận 10, quận Tân Phú, quận Tân Bình hay quận Gò Vấp,…bị người phụ nữ này ghé tới vờ mua hàng rồi lấy trộm tài sản. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra các vụ việc, nạn nhân không trình báo cơ quan chức năng mà đăng tải clip trích xuất từ camera lên mạng xã hội.
Sau khi bị trinh sát phát hiện và đưa về điều tra, Lượm đã khai gây ra gần 10 vụ trộm cắp. Đồng thời, qua hồ sơ theo dõi, Lượm đã từng có 3 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”.
Hiện, Công an tạm giữ thêm 1 nghi can khác thường chở Lượm đi gây án. Công an cũng đề nghị ai là nạn nhân của Lượm hãy tới trình báo ở Đội 4 và Đội 8, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM.
Xem thêm: Dàn cảnh mua trà sữa, trộm 'trót lọt' thú cưng gần chục triệu
Đà Nẵng: Phạt 200 triệu đồng chủ đầu tư dự án cải tạo bãi rác Khánh Sơn
Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chính đã ký quyết định xử phạt hành chính 200 triệu đồng đối với chủ đầu tư, điều hành dự án “Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn”, cụ thể là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng.
Theo đó, trong quá trình tháo bạt để thi công tuyến mương thu gom nước rỉ rác quanh các hộc rác số 1 đến số 5, đơn vị không phun xịt các chế phẩm khử mùi đúng liều lượng và tần suất, gây mùi hôi thối tới khu vực dân cư xung quanh. Với vi phạm này, đơn vị bị xử phạt 110 triệu đồng.
Ngoài ra, khi tháo dỡ bạt HDPE ở chân các hộc rác nhằm thi công các tuyến đường, bờ bao quanh các hộc rác, đơn vị này không xây dựng phương án phòng ngừa nước mưa hoặc nước trên bề mặt có tiếp xúc với rác thải, làm gia tăng lượng nước rỉ rác phát sinh dẫn đến quá tải hệ thống xử lý nước thải của dự án. Điều này dẫn tới hậu quả bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng.
Được biết, dự án này triển khai trên phạm vi gần 40ha tại bãi rác Khánh Sơn, với tổng mức đầu tư hơn 184 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Đà Nẵng. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ chịu trách nhiệm xử lý rác thải của TP Đà Nẵng trong thời gian chờ dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn mới.
Hải Phòng: Cho thuê trái phép đất trường để thu tiền tỷ
Mới đây, người dân trên địa bàn phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng đã phản ánh lại tình trạng ban giám hiệu trường THPT Trần Nhân Tông của quận lợi dụng đất công để thu lợi riêng. Dù đóng cửa nhiều năm, không tuyển sinh nhưng thay vì bàn giao đất cho thành phố quản lý thì trường lại tự ý cho doanh nghiệp khác tới thuê, hoạt động trái quy định.
Cụ thể, nhà trường cho Công ty TNHH Đầu tư đường ven biển Hải Phòng thuê từ năm 2017, với giá 100 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm 10% thuế VAT.
Được biết, Trường THPT Trần Nhân Tông vừa là cơ sở giáo dục bậc THPT, vừa đào tạo nghề và được thành lập từ 2005. Tuy nhiên vào năm 2011, vì nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng của dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, trường đã nhận tiền bồi thường (khoảng 9,85 tỷ) và xây dựng trường mới với phần đất còn lại là 14.000m2. Thế nhưng, sau khi xây dựng xong, trường duy trì hoạt động tuyển sinh, đào tạo khoảng 4 – 5 năm thì đóng cửa không rõ lý do.
Đại diện Sở giáo dục và đào tạo TP Hải Phòng cho biết cũng đã kiểm tra trường và đề nghị tiến hành quy trình giải thể song hội đồng trường sau đó có trình đơn xin hoạt động trở lại. Sở Tài nguyên và môi trường TP Hải Phòng sẽ giao thanh tra cùng cơ quan chuyên môn phối hợp kiểm tra hồ sơ sử dụng đất đối với nhà trường và lập hồ sơ báo cáo UBND TP Hải Phòng.