Tin nhanh trưa 9/5: Yên Bái: Mâu thuẫn với gia đình chồng, vợ châm lửa thiêu rụi 3 căn nhà

(VOH) – Do mâu thuẫn với gia đình chồng nên Vàng Thị Chu đã đốt nhà mình và nhà em chồng. Sau khi gây án, Chu đã bỏ trốn lên rừng, tìm lá ngón ăn để tự tử.

 

Mâu thuẫn với gia đình chồng, vợ châm lửa thiêu rụi 3 căn nhà

Ngày 9/5, Công an huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết, liên quan đến vụ cháy nhà liên hoàn xảy ra tại xã Túc Đán vào sáng ngày 5/5 làm 3 ngôi nhà sàn bị thiệt hại nặng. Bước đầu xác định Vàng Thị Chu (58 tuổi, trú xã Túc Đán) là người đã gây ra vụ việc.

Tại cơ quan công quan, Vàng Thi Chu khai nhận do mâu thuẫn với gia đình chồng nên đã đốt nhà mình và nhà em chồng. Sau khi gây án, Vàng Thị Chu đã bỏ trốn lên rừng, tìm lá ngón ăn để tự tử. Tuy nhiên, khi Chu đang thực hiện hành vi ăn lá ngón thì bị Công phát hiện, bắt giữ.

Trước đó, sáng 5/5 tại thôn Tống Ngoài, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái xảy ra một vụ cháy liên hoàn khiến 1 ngôi nhà bị thiêu rụi hoàn toàn, 2 ngôi nhà còn lại bị cháy một phần. Tổng thiệt hại vụ cháy ước tính khoảng 300 triệu đồng.

(Nguồn clip: TTO)

Bình Phước: Quyết tâm ngăn chặn hoạt động tín dụng đen

Theo Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước, qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cơ quan chức năng đã bắt, khởi tố 24 vụ, 49 đối tượng. Trong đó 23 vụ, 42 đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; 1 vụ, 7 đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản; triệt xóa 5 nhóm cho vay trên địa bàn.

Hiện cơ quan chức năng đang đấu tranh với 1 nhóm, 5 đối tượng có nghi vấn liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Đồng thời xác minh 1 đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi để xử lý theo pháp luật. Bên cạnh đó, đã tổ chức 5 đợt tuyên truyền bằng hình thức gửi tin nhắn điện thoại di động đến người dân cảnh giác với các loại tội phạm cho vay nặng lãi và khóa sóng 284 số điện của các nhà mạng.

tin-nhanh-trua-9-5-yen-bai-mau-thuan-voi-gia-dinh-chong-vo-cham-lua-thieu-rui-3-can-nha-voh-0

Công an TP Đồng Xoài khám xét một nhóm đối tượng cho vay nặng lãi (Ảnh: SGGPO)

UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu Công an tỉnh mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là các loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức huy động vốn, sử dụng công nghệ cao, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, núp bóng doanh nghiệp hoạt động.

Xem thêm: Vĩnh Long: 32 năm tù cho 3 bị cáo làm cổ vật giả lừa bán nửa tỷ đồng

Triển khai rút tiền mặt tại máy ATM bằng căn cước công dân gắn chip

Ngày 9/5, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho biết đã phối hợp với một số ngân hàng triển khai thí điểm dịch vụ rút tiền tại máy ATM bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Như vậy, chỉ cần có CCCD gắn chip, người dân có thể rút tiền mặt tại máy ATM của ngân hàng, không cần sử dụng thẻ ngân hàng hay dùng mã QR trên ứng dụng ngân hàng số.

Đặc biệt, việc sử dụng CCCD gắn chip khi rút tiền mặt tại ATM còn giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn trong các giao dịch tài chính.

Thay vì chỉ sử dụng duy nhất mật khẩu để xác nhận thông tin khi rút tiền bằng thẻ ngân hàng; nay, khi khách hàng quét thẻ CCCD tại ATM, hệ thống ngay lập tức kiểm tra và đối chiếu thông tin trên CCCD gắn chip. Sau đó, việc xác nhận thông tin chính chủ sẽ được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học của khách hàng bằng hình thức quét khuôn mặt và vân tay.

Hiện tại, việc triển khai ứng dụng CCCD gắn chip thay thế thẻ ngân hàng đang được thực hiện thí điểm với một số ngân hàng lớn và một số điểm trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh. Dự kiến, trong thời gian tới, hình thức rút tiền mặt này sẽ triển khai mở rộng trên toàn hệ thống ngân hàng.

Xem thêm: Có căn cước công dân gắn chip, vẫn cần tài khoản định danh điện tử 

Hà Nội: Cựu công an cầm đầu đường dây tráo sổ đỏ, chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng

Sáng 9/5, sau 2 ngày xét xử và nghị án cuối cùng, Tòa án nhân dân Hà Nội đã đưa ra phán quyết với 11 bị cáo trong vụ đánh tráo sổ đỏ giả, lừa đảo chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng. Các bị cáo bị truy tố ở 2 nhóm tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, quy định tại điều 174 và 341 Bộ luật hình sự.

Theo đó, tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Cường (36 tuổi, trú huyện Sóc Sơn) 19 năm 6 tháng tù về hai tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. 8 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 8 - 17 năm tù với tội danh tương tự.

Bị cáo Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi, trú quận Hai Bà Trưng) bị phạt 13 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Phạm Văn Đồng (32 tuổi, trú huyện Hoài Đức) bị phạt 1 năm tù vì tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

tin-nhanh-trua-9-5-yen-bai-mau-thuan-voi-gia-dinh-chong-vo-cham-lua-thieu-rui-3-can-nha-voh-1

Nhóm bị cáo tại phiên toà ngày 9/5 (Ảnh: SGGPO)

Tòa xác định, trong vụ án này Vũ Quý Lãm (36 tuổi, cựu cán bộ công an, trú huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) là chủ mưu cùng 11 bị cáo trên tham gia 11 vụ đánh tráo sổ đỏ và lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Hiện Lãm đang bị truy nã. Cơ quan điều tra cũng đã tách hành vi của Lãm sang vụ án khác để xử lý sau.

Theo cáo trạng, Lãm lên các trang web bất động sản, tìm người muốn bán đất, sau đó tự liên lạc với tên giả, nói có nhu cầu mua, rồi yêu cầu bên bán gửi ảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để kiểm chứng, nhưng thực chất là thu thập thông tin để làm sổ đỏ giả.

Khi gặp chủ đất, Lãm thừa cơ hội đánh tráo sổ đỏ thật bằng sổ đỏ giả. Có sổ thật, Lãm phân công các đồng phạm làm giả chứng minh nhân dân, hộ khẩu của chủ đất, đóng giả làm chủ đất và ký hợp đồng chuyển nhượng cho người khác.

Ngoài ra, Lãm còn tự giới thiệu bản thân có khả năng vay tiền lãi suất thấp ở ngân hàng bằng hình thức thế chấp sổ đỏ. Sau khi có sổ đỏ, nhóm Lãm sẽ làm giả giấy tờ tùy thân của chủ đất rồi mạo danh chuyển nhượng hoặc thế chấp, vay ngân hàng.

Sau mỗi vụ trót lọt, Lãm chia cho mỗi đồng phạm từ 1,5 triệu đồng đến 400 triệu đồng.

Xem thêm: Đề nghị truy tố nhóm đối tượng lừa đảo hàng ngàn nhà đầu tư

Miền Tây báo động tình trạng sốt xuất huyết tăng nhanh

Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, tính từ đầu năm đến nay tại đây có trên 220 trường hợp trẻ em nhập viện do bệnh sốt xuất huyết, chưa kể số lượng trẻ đến khám ngoại trú do nghi ngờ mắc bệnh cũng khá đông. Đặc biệt, có đến 33 trường hợp sốt xuất huyết nặng, chiếm tỉ lệ cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê cho thấy, ngoài TP Cần Thơ, bệnh viện còn tiếp nhận nhiều trẻ em mắc sốt xuất huyết được chuyển đến từ các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp... Trong đó, ghi nhận một số trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết thể nặng, tái sốc nhiều lần kèm suy đa cơ quan... Việc điều trị các trường hợp này khá phức tạp, có nguy cơ tử vong cao.

Ngoài ra, thông tin từ Sở Y tế các địa phương khu vực ĐBSCL, số ca mắc sốt xuất huyết cũng đang tăng nhanh, các tỉnh có số ca mắc tăng gồm: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang...