Chờ...

Trào lưu bỏ việc về quê “ăn bám” cha mẹ của người trẻ Trung Quốc

VOH - Không chịu được áp lực công việc, cuộc sống khắc nghiệt ở thành phố, nhiều người trẻ về nhà làm một đứa con full-time (toàn thời gian) và nhận lương từ cha mẹ.

Trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng, áp lực công việc lớn cùng với cuộc sống không dễ dàng tại những thành phố lớn, nhiều người trẻ Trung Quốc chọn cách về quê sống. Họ rời xa chốn đô thị xô bồ, hào nhoáng, từ bỏ công việc được xem là ổn định thậm chí là mức lương lên đến hàng trăm triệu để về làm “full-time daughter” - “con cái toàn thời gian”.

Bỏ 15 năm sự nghiệp về nhà nhận lương 13 triệu đồng từ cha mẹ

Sau 15 năm làm việc cho một hãng thông tấn, thường xuyên phải đối mặt với áp lực, căng thẳng, trực điện thoại 24 giờ/ngày,  Nianan (40 tuổi, Trung Quốc) quyết định phải thay đổi.

Cô nghỉ việc, về nhà ở theo lời khuyên của cha mẹ và chính thức trở thành “con gái toàn thời gian”. Cha mẹ Nianan có lương hưu hơn 11.000 nhân dân tệ (khoảng 36 triệu đồng)/ tháng và đã trích ra 4.000 nhân dân tệ (khoảng 13 triệu đồng)/tháng để trả lương cho con gái.

Mô tả về công việc của mình, Nianan nói đó là một nghề tràn ngập tình yêu. Buổi sáng, cô dành 1 giờ để khiêu vũ với cha mẹ, cùng họ đi mua sắm. Buổi tối, cô nấu bữa tối cùng bố. Nianan cũng phụ trách các công việc, vấn đề liên quan đến điện tử, làm tài xế, tổ chức cho gia đình đi du lịch mỗi tháng.

Mặc dù được ở bên cha mẹ, có thời gian dành cho bản thân và thư giãn nhưng Nianan thừa nhận rằng “áp lực lớn nhất vẫn là mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn”.

Cha mẹ cô cũng liên tục trấn an con gái rằng: “Nếu con tìm được công việc phù hợp hơn, con có thể đi làm. Nếu con không muốn đi làm, hãy ở nhà và dành thời gian cho cha mẹ.”

Tranh cãi trào lưu bỏ việc về quê “ăn bám” cha mẹ của người trẻ Trung Quốc 1
Nhiều người trẻ Trung Quốc chọn bỏ phố về quê, làm “con cái toàn thời gian" - Ảnh: unilad

Bỏ công việc lương gần trăm triệu về nhà làm “con trai toàn thời gian”

Sau khi rời quê hương, anh Lý (40 tuổi, Ninh Ba, Trung Quốc) có một công việc tốt ở Thượng Hải với mức lương 20.000 nhân dân tệ (khoảng 66 triệu đồng).

Một lần, mẹ anh Lý (hơn 60 tuổi) bị bệnh nặng nên anh xin nghỉ gần 2 tháng để về nhà chăm bà. Sau khi quay trở lại với guồng quay công việc, vì sự cạnh tranh, sự nhiệt tình bị phai nhạt cộng với một số lý do khác, anh nghỉ việc, về nhà làm con trai ngoan của cha mẹ.

Với mức lương hưu 11.000 nhân dân tệ (khoảng 36 triệu đồng)/tháng, cha mẹ anh Lý trả cho anh 5.500 nhân dân tệ (khoảng 18 triệu đồng)/tháng. Công việc hàng ngày của anh là nấu ăn, dọn dẹp, cùng cha mẹ dắt thú cưng đi dạo…

Cha mẹ anh Lý cho biết, ngoại trừ tiếc nuối việc con trai chưa lập gia đình ra thì họ cảm thấy rất vui vẻ, hạnh phúc.

Anh Lý cũng chia sẻ: “Tôi đã từng kiếm được 20.000 nhân dân tệ mỗi tháng nhưng đến lúc nghỉ việc, tiền trong tay chẳng còn bao nhiêu. Bây giờ nhu cầu và mong muốn tiêu pha mua sắm của tôi giảm hẳn đi, dù tiền mỗi tháng chẳng bao nhiêu nhưng lại còn dư để mà tiết kiệm.”

Tranh cãi trào lưu bỏ việc về quê “ăn bám” cha mẹ của người trẻ Trung Quốc 2
Làm “con cái toàn thời gian” là lựa chọn có thể đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi - Ảnh: 123RF

“Full-time children” – trào lưu làm “con cái toàn thời gian”

Thuật ngữ “full-time children” bắt nguồn từ thuật ngữ “full-time housewives” - “những bà nội trợ toàn thời gian”.

“Con cái toàn thời gian” là một giải pháp của người trẻ Trung Quốc - những người thường xuyên phải đối mặt với thị trường việc làm cạnh tranh và phải sống trong guồng quay của “996” - làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần.

Lựa chọn này cho phép họ thoát khỏi những ràng buộc của hình thức làm việc truyền thống và chủ động hơn đối với sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, giống như những lối sống hiện đại khác, làm “con cái toàn thời gian” không dành cho tất cả mọi người. Việc người trẻ bỏ việc về quê và nhận lương từ cha mẹ cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

“Rõ ràng, việc này chỉ đơn giản là dựa vào cha mẹ, là ăn bám người già nhưng mọi người vẫn gán cho nó là việc làm “con cái toàn thời gian”, một cư dân mạng bình luận.

Tuy nhiên, cũng có những người thể hiện sự đồng tình với quyết định bỏ phố về quê của những người trẻ.

“Nếu cả cha mẹ và con cái đều thực sự hạnh phúc thì tại sao không nắm lấy cơ hội này? Trong tương lai, lực lượng lao động trẻ sẽ có giá trị hơn. Nếu một số người cho đó là dựa dẫm vào cha mẹ thì tại sao chúng ta không thử để con cái chăm sóc cho những người già trong gia đình của nhau?”, một người nhận xét.