Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Trộm 1,5 tỷ đồng của mẹ để chơi game

VOH - Để có tiền chơi game trực tuyến, nữ sinh đã trộm khoảng 1,5 tỷ đồng trong thẻ ngân hàng của mẹ trong suốt 4 tháng.

Một nữ sinh họ Vương, 13 tuổi ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã trộm tiền của mẹ để “nướng” vào game online (trực tuyến) trên điện thoại thông minh.

Người mẹ chỉ biết về hành vi trộm tiền của con gái khi được cô giáo thông báo nữ sinh này có dấu hiệu nghiện game. Mẹ bé gái lập tức kiểm tra tài khoản ngân hàng và phát hiện tiền trong tài khoản gần như cạn kiệt.

Bé gái thừa nhận đã ăn trộm 449.500 nhân dân tệ (khoảng 1,5 tỷ đồng) với các khoản chi gồm: 120.000 nhân dân tệ (khoảng 395 triệu đồng) mua tài khoản, 210.000 nhân dân tệ (khoảng 690 triệu đồng) mua đồ trong game và 100.000 nhân dân tệ (khoảng 329 triệu đồng) mua game cho 10 bạn cùng lớp.

“Khi các bạn đề nghị con mua game, con đã đồng ý dù không thoải mái.”, bé gái chia sẻ.

Nữ sinh cho biết bản thân không hiểu rõ giá trị tiền bạc. Vì mẹ Vương từng nói mật khẩu với con phòng trường hợp cần sử dụng tiền gấp trong lúc họ đi vắng nên khi thấy thẻ ngân hàng của mẹ ở nhà, bé gái đã liên kết thẻ với điện thoại.

Để che giấu hành vi của bản thân, nữ sinh này đã xóa toàn bộ lịch sử giao dịch trên điện thoại để mẹ không phát hiện.

trom-khoang-1-5-ty-dong-cua-me-de-choi-game-btv158-voh-0
Nữ sinh họ Vương kể lại việc trộm tiền của mẹ để chơi game - Ảnh: Weibo

Sự việc bé gái nghiện game trộm tiền mẹ nhanh chóng lan truyền khắp mạng xã hội Trung Quốc, khiến nhiều người bức xúc.

Một cư dân mạng đã bình luận: “Cô bé 13 tuổi thừa biết mình đang làm gì nhưng không muốn nhận lỗi.” Bên cạnh đó, một số ý kiến còn cho rằng lỗi do bố mẹ Vương đã quá nuông chiều con gái. 

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc trẻ trộm tiền của người thân để “nướng” vào game.

Tháng 6/2022, một nữ sinh 14 tuổi ở Trung Quốc trộm 120.000 nhân dân tệ (hơn 400 triệu đồng) tiền phẫu thuật của mẹ để mua sắm online và chơi game.

Bố mẹ bé gái đã trình báo cảnh sát về việc con gái lấy tiền trộm được để sắm điện thoại di động, quần áo, thức ăn và mua tài khoản game.

Trò chơi trực tuyến sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu giải trí, giảm stress nhưng một bộ phận game thủ lại lạm dụng sức khỏe, thời gian, tiền bạc… khiến trò chơi trực tuyến trở nên méo mó, gây nguy hại cho xã hội. Những trường hợp trên cũng là hồi chuông cảnh báo tới các bậc phụ huynh trong việc quản lý con cái.