Chờ...

Trung Quốc mở chiến dịch xóa bài viết “khoe giàu” trên các mạng xã hội

VOH - Nhắm mục tiêu vào các bài đăng 'khoe khoang sự giàu có' dường như là một phần của chiến dịch nhằm 'thanh lọc môi trường văn hóa Internet' tại Trung Quốc.

Các công ty sở hữu mạng xã hội Trung Quốc đang phát động một chiến dịch trấn áp mới đối với nội dung của người dùng, nhắm mục tiêu vào các bài đăng thể hiện sự giàu có cá nhân và sự hoang phí tiền bạc.

trung-quoc-mxh-170524
Mạng xã hội Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào các bài đăng thể hiện sự giàu có cá nhân và sự hoang phí tiền bạc - Ảnh: Getty Images

Trong một tuyên bố được đăng giữa tuần này, mạng xã hội Weibo cho biết, họ đã dành một tháng để thực hiện công việc quản lý đặc biệt đối với “nội dung định hướng giá trị không mong muốn”, bao gồm nội dung “khoe khoang sự giàu có và tôn thờ tiền bạc” .

Weibo nhắm mục tiêu vào các bài đăng khoe xe hơi sang trọng và tài sản đắt tiền. Các bài viết được coi là khoe khoang về sự giàu có và tự do đi kèm với việc giàu có cũng bị xóa.

Các mạng xã hội khác bao gồm Tencent, Douyin và Xiaohongshu, cũng đăng những tuyên bố tương tự.

Tuyên bố của Weibo cho biết, đây là một phần trong chiến dịch của Trung Quốc nhằm tạo ra “môi trường sinh thái xã hội văn minh, lành mạnh và hài hòa”.

Thay vào đó, mạng xã hội khuyến khích người dùng tạo hoặc chia sẻ nội dung chất lượng cao, trung thực và hướng đến giá trị tích cực trên nền tảng, để tiếp tục tạo ra “bầu không khí cộng đồng tốt đẹp và lòng tốt tích cực”.

Douyin cho biết, họ đã xóa 4.701 tin nhắn và 11 tài khoản từ ngày 1 đến ngày 7/5. Xiaohongshu đã xóa 4.273 bài đăng “bất hợp pháp” trong hai tuần qua và đóng 383 tài khoản, còn Weibo đã xóa hơn 1.100 nội dung, theo hãng truyền thông Trung Quốc, The Cover.

Cách tiếp cận chặt chẽ hơn dường như là một phần trong chiến dịch của chính quyền Trung Quốc nhằm “thanh lọc môi trường văn hóa Internet” bắt đầu từ năm 2016.

Vào tháng 9/2023, Bắc Kinh đã sửa đổi luật để cấm những bình luận, trang phục và biểu tượng “làm tổn hại đến tình cảm dân tộc”.

Vào năm 2022, các nhà quản lý thể thao cho biết, họ sẽ cấm xăm các hình xăm mới đối với thành viên đội tuyển bóng đá quốc gia và khuyên những người đã có hình xăm nên xóa hoặc che chúng đi.

Vào tháng 8/2020, chính phủ Trung Quốc đã phát động “Chiến dịch đĩa trống”, một chiến dịch nhằm ngăn chặn việc lãng phí thực phẩm và đồ uống cũng như rèn luyện tính tiết kiệm.

Và vào năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi “cải cách toàn diện” ngành cưới để chấm dứt “các tập tục đám cưới thô tục” như quà cưới đắt tiền, nghi lễ xa hoa.

Vào năm 2022, Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc đã gây tranh cãi khi cho biết họ quyết tâm trấn áp nạn phẫu thuật thẩm mỹ và thẩm mỹ “ẻo lả” trên TV.

Bất chấp những nỗ lực nhằm đạt được “sự thịnh vượng chung”, khoảng cách giàu nghèo tại Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy, khoảng cách thu nhập năm 2023 ở Bắc Kinh đã đạt giá trị lớn nhất kể từ khi việc thu thập dữ liệu bắt đầu vào năm 1985.

Tỷ trọng thu nhập quốc dân của Trung Quốc thuộc về 10% dân số hàng đầu đã tăng từ 27% năm 1978 lên 41% vào năm 2015, gần bằng 45% của Mỹ và vượt qua 32% của Pháp, theo Trung tâm Stanford về Kinh tế và Thể chế Trung Quốc.