Vén màn bí ẩn về hiện tượng bóng đè

(VOH) - Bị bóng đè là một trải nghiệm đáng sợ khi bạn cảm thấy có vật gì đó đè nặng trên ngực kèm theo những ảo ảnh kinh dị.

1. Triệu chứng của bóng đè

Bóng đè còn có tên gọi khác là chứng tê liệt khi ngủ (sleep paralysis), xảy ra khi bắt đầu ngủ hoặc khi thức giấc. Người bệnh sẽ cảm thấy bị tê liệt toàn thân, không thể cử động hay di chuyển. Triệu chứng này khi xảy ra sẽ kèm theo ảo giác và nỗi sợ hãi tột độ.

Vén màn bí ẩn về hiện tượng bóng đè 1
Giấc ngủ bị gián đoạn hay căng thẳng sẽ làm tăng nguy cơ bị bóng đè - Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên

Theo tạp chí khoa học Livescience, trong lúc bị bóng đè, người mắc hoàn toàn có ý thức, mắt có thể mở hoặc không. Một số người có thể xuất hiện ảo giác hay cảm thấy có một thứ gì đó xuất hiện trong phòng mình. Số khác có cảm giác nặng nề ở ngực như thế có gì đó đè lên. Điểm chung là họ không thể cử động.

Bóng đè có thể ảnh hưởng ở mọi lứa tuổi. Thông thường, hiện tượng này bắt đầu xuất hiện trong độ tuổi từ 14 - 17 tuổi và có thể trở nên thường xuyên trong những năm 20 và 30 tuổi. Theo thống kê của Đại học Pennsylvania State (Mỹ), ước tính khoảng 8% dân số từng bị bóng đè.

2. Nguyên nhân gây ra hiện tượng bóng đè 

Nhiều người cho rằng, bóng đè là hiện tượng siêu nhiên, huyền bí do thần thánh hoặc ma quỷ gây ra. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học, “bóng đè” là hệ quả của sự rối loạn giấc ngủ mà nguyên nhân là khả năng điều tiết vòng tuần hoàn “thức - ngủ” của não bộ bị đứt quãng.

Vén màn bí ẩn về hiện tượng bóng đè 2
Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng bóng đè - Nguồn ảnh: Internet

Các nhà nghiên cứu cho biết, giấc ngủ có hai chu kỳ: NREM (giấc ngủ cử động mắt không nhanh) và REM (giấc ngủ cử động mắt nhanh), trong đó, REM chính là chu kì giấc mơ xuất hiện. 

Khi ngủ, cơ thể sẽ tự động rơi vào trạng thái tê liệt trong giai đoạn REM. REM sẽ bắt đầu trong khoảng 70 - 90 phút sau khi ngủ. Lúc này, người ngủ sẽ dễ đi vào giấc mơ, cơ thể tạm thời bị tê liệt là để ngăn chúng ta cử động như những gì thấy trong giấc mơ. 

Nếu thức dậy trong giai đoạn này mà cơ thể chưa thoát khỏi trạng thái tê liệt thì hiện tượng bóng đè sẽ xuất hiện.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, hiện tượng bóng đè phổ biến ở sinh viên, người có các vấn đề về rối loạn tâm lý, đặc biệt là rối loạn hoảng sợ, căng thẳng, sử dụng chất kích thích, có giấc ngủ gián đoạn, thời gian ngủ không đều hoặc chất lượng giấc ngủ kém.

Một nguyên nhân khác gây bóng đè là chứng ngủ rũ. Đây là một dạng rối loạn giấc ngủ với nhiều biểu hiện điển hình là buồn ngủ cực độ vào ban ngày, khiến người mắc đột ngột ngủ thiếp đi. Khi thức dậy, họ có khả năng gặp những cơn bóng đè ngắn kéo dài vài phút. Ngoài ra, chứng ngưng thở khi ngủ cũng làm tăng nguy cơ bóng đè.

3. Ngăn ngừa bóng đè bằng cách nào?

Để ngăn ngừa hiện tượng bóng đè, các chuyên gia về tâm thần khuyến cáo, bạn cần ngủ đủ giấc và đều đặn, giữ cho không gian phòng ngủ thông thoáng, tư thế nằm thoải mái, mặc quần áo đủ rộng để máu dễ dàng lưu thông và tránh tình trạng “ngày ngủ, đêm thức”. 

Ngoài ra, bạn không nên ăn quá no, không sử dụng rượu, bia hoặc uống trà, cà phê trước khi đi ngủ. 

Với những người bị bóng đè kèm theo những rối loạn giấc ngủ khác, hoặc bệnh lý tâm thần khác, cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.