Vì sao nhiều người bị chó cắn nhiều năm mới phát bệnh dại?

(VOH) – Từ khi bị chó dại cắn đến khi phát bệnh dại sẽ mất từ 20 – 60 ngày, nhưng cũng có trường hợp kéo dài đến vài năm mới lên cơn dại và tử vong. Vì sao lại như vậy?

Những ngày gần đây, liên tục xuất hiện nhiều trường hợp bị chó cắn khiến nhiều người lo ngại. Chó là một trong những loài động vật được nuôi trong gia đình, nhưng chúng cũng là một loài động vật có nguy cơ mắc bệnh dại tương đối cao.

Vì sao nhiều người bị chó cắn nhiều năm mới phát bệnh dại? 1
Chó là loài động vật có khả năng lây bệnh dại tương đối cao - Ảnh minh họa

Thống kê của Bệnh viện Nhiệt Đới trung ương, từ đầu năm 2023 đến trung tuần tháng 2, phòng tiêm chủng của bệnh viện đã tiếp nhận 99 trường hợp bị chó, mèo cắn, trong đó có đến 56 trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại, chiếm 56%.

Theo đại diện Bệnh viện Nhiệt Đới trung ương, người mắc bệnh dại có thời gian ủ bệnh khác nhau. Thông thường thời gian ủ bệnh dại trung bình 20 – 60 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài nhiều năm sau. Trong y văn từng ghi nhận có trường hợp ủ bệnh dại đến 2 – 3 năm hoặc lâu hơn nữa.

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương và khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Nếu vết thương nằm ở vùng đầu, mặt hoặc lây bệnh qua ghép giác mạc thì sẽ có thời gian ủ bệnh ngắn hơn.

Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của con vật mắc bệnh dại lên vùng da tổn thương. Hiện bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, một khi lên cơn dại thì nguy cơ tử vong gần như 100%.

Bệnh có thể dự phòng bằng cách tiêm vắc-xin hay huyết thanh kháng dại, tiêm ngay lập tức và đúng phát đồ có thể giúp phòng bệnh 100%. Tuy vậy, hiện nay vẫn có rất nhiều trường hợp người dân chủ quan, không nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh nên chậm trễ trong việc tiêm phòng.

Các bác sĩ khuyến cáo, những trường hợp bị chó, mèo cắn, hay có tiếp xúc trực tiếp với chó mèo qua vết thương hở trên da, cần tiêm phòng bệnh dại sớm nhất có thể.

Với những gia đình nuôi chó, mèo cũng cần phòng dại cho vật nuôi thường xuyên theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, hay trêu chọc chó, mèo…