Công viên Lê Thị Riêng
Công viên Lê Thị Riêng không chỉ là một công viên xanh mát mà còn mang trong mình một lịch sử đáng kể. Công viên được đặt tên theo nữ anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng (một nhà văn, nhà báo và nhà giáo Việt Nam nổi tiếng thế kỷ 20).
Công viên Lê Thị Riêng được thành lập vào năm 1997, nhằm tưởng nhớ và tôn vinh đóng góp của bà Lê Thị Riêng cho văn hóa Việt Nam.
Qua các năm, công viên đã trở thành một địa điểm yêu thích của người dân địa phương và du khách. Bạn sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh mọi người tập yoga, aerobic, chạy bộ,… hay đơn giản là ngồi ở ghế đá trò chuyện và hít thở không khí trong lành, nhiều cây xanh được bố trí hợp lý, thoáng mát cùng với hồ nước lớn mang tới cảm nhận yên bình giữa thành phố náo nhiệt, đông đúc.
Khu Di tích lịch sử Quốc gia “Hầm B”
Cơ sở in ấn của Hội Ủng hộ vệ quốc đoàn năm 1954 (còn gọi là Hầm B) nằm trong con hẻm nhỏ đường Ngô Gia Tự, quận 10, TPHCM. Đây là nơi in ấn, sao lưu tài liệu tuyên truyền cách mạng thời kháng chiến chống Pháp.
Ngày nay, căn nhà trở thành Di tích lịch sử quốc gia và là điểm tham quan, dâng hương tưởng niệm của du khách trong nước, quốc tế.
Từ hầm bí mật này, những hội viên nòng cốt của hội thay phiên nhau theo dõi tin tức từ các đài phát thanh “Tiếng nói Việt Nam”, “Tiếng nói Nam bộ kháng chiến”, biên tập lại và in ronéo thành truyền đơn phát hành đi các nơi để thông báo tin tức từ Trung ương và cả nước đến với đồng bào, chiến sĩ Vệ quốc đoàn, hoặc được sao chép thành tài liệu học tập nội bộ.
Tài liệu từ chiến khu An Phú Đông được mang về in và giao cho hội viên Hội vệ quốc đoàn bí mật đem đến hàng trăm cơ sở trong thành phố. Có khi tài liệu được in thành truyền đơn để đưa đi rải ở các chợ, tuyên truyền phát động phong trào đấu tranh trong nhân dân, uy hiếp tinh thần của lính Pháp và tay sai.
Tháng 11/1954, tại căn hầm bí mật này, nhiều ngày đêm liền, Ban ấn loát của Hội đã in các chỉ thị, Nghị quyết của Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định, phát hành đến các cơ sở nhằm kêu gọi quần chúng đấu tranh đòi đối phương phải thi hành Hiệp định Genève, đặc biệt là đòi Hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ngoài ra căn hầm bí mật này còn là nơi lưu trữ thuốc men, hóa chất làm vũ khí … để giao liên đưa ra chiến khu.
Sau đó, cơ sở in ấn này được chuyển vào chiến khu An Phú đông, đến cuối năm 1957, hầm bí mật ngừng hoạt động vì một cơ sở của Hội bị địch phát hiện. Nhiều đồng chí bị địch bắt, bị tra tấn dã man và một số bị đày ra Côn đảo. Sau năm 1975, hầm bí mật được trùng tu hầm chính, hầm phụ và địa đạo để đón khách tham quan.
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ
Phố chuyên doanh hoa khu vực Hồ Thị Kỷ nằm trên tuyến đường được đặt tên nữ anh hùng, liệt sĩ Hồ Thị Kỷ và xen kẽ bên khu chung cư Lê Hồng Phong thuộc Phường 1, Quận 10 được xem là một trong những nơi cung cấp hoa lớn cả về quy mô và chủng loại ở TPHCM.
Trải qua hơn 30 năm tuổi kể từ ngày sơ khai hình thành, phố chuyên doanh hoa khu vực Hồ Thị Kỷ được mệnh danh là “chợ hoa không ngủ”, luôn tấp nập dù là ngày hay đêm, đặc biệt là vào lúc rạng sáng thì khu kinh doanh hoa trở lên nhộn nhịp hơn với các hoạt động mua bán, vận chuyển hoa cho kịp ngày mới. Trong những dịp Lễ, Tết phố chuyên doanh hoa lại càng sầm uất, đông đúc và hối hả hơn ngày thường.
Các loại hoa tươi phong phú về màu sắc và đa dạng về chủng loại được các hộ kinh doanh tại khu vực lựa chọn đến từ khắp mọi miền đất nước như từ miền Tây, Đà Lạt hay thậm chí là từ Sapa,.. Từ các loại hoa Cúc, Vạn Thọ, Đồng Tiền, Cát Tường,… đến các loại hoa Lan Hồ Điệp, hoa Hồng, hoa Hướng Dương,… đều xuất hiện trong các sạp hoa và luôn rạng rỡ khoe vẻ đẹp đầy màu sắc lung linh và hương thơm ngào ngạt.
Không chỉ chuyên về hoa tươi, nơi này còn bán các loại hoa với nhiều chất liệu khác nhau như đất, voan, giấy,… và các phụ kiện, vật dụng chuyên về cắm hoa với rất nhiều mẫu mã, chủng loại.
Hiện nay, phố chuyên doanh hoa khu vực Hồ Thị Kỷ có khoảng hơn 110 hộ kinh doanh về các mặt hàng hoa tươi và phụ kiện ngành hoa, đa dạng về màu sắc, phong phú về chủng loại, điều đó đã góp phần tạo nên nét đặc trưng cho quận 10.
Chùa Ấn Quang
Chùa Ấn Quang (Tổ đình Ấn Quang) tọa lạc tại số 243 Sư Vạn Hạnh, Phường 9, Quận 10, là một ngôi chùa khá nổi tiếng của Việt Nam. Dù được xây dựng cách nay không lâu, nhưng chùa lại giữ một vị trí rất đặc biệt trong lịch sử Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nơi đây từng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong những bước thăng trầm và phát triển của đạo Phật ở miền Nam.
Chùa Ấn Quang là địa điểm tập trung xuất phát nhiều cuộc xuống đường tuần hành, đấu tranh chống Mỹ và bè lũ tay sai; các cuộc đấu tranh của giới Phật giáo tại Ấn Quang năm 1963 – 1964 chống chính sách gia đình trị Ngô Đình Diệm đòi bình đẳng tôn giáo; các phong trào xuống đường đấu tranh chống Mỹ - Ngụy của sinh viên, học sinh và các tổ chức quần chúng vào các năm 1963, 1964, 1969, 1972, góp phần làm lung lay các chế độ tay sai của Mỹ.
Đây cũng là nơi gặp gỡ, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống Mỹ - Ngụy của nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn.
Chùa Ấn Quang được UBND TPHCM công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Thành phố theo Quyết định số 120/2005/QĐ-UBND ngày 12/7/2005.
Các con phố ẩm thực
Bên cạnh những địa điểm, tham quan du lịch về nguồn, tâm linh. Quận 10 còn được nhiều người trẻ yêu thích bởi sự nhộn nhịp, tấp nập của các con phố ẩm thực.
Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ bắt đầu nhộn nhịp dần từ đầu giờ chiều. Con đường này có hơn 100 gian hàng với những biển hiệu sáng rực nằm sát nhau, bán đủ món ngon từ Âu, Á và nhiều vùng miền khác ở Việt Nam như Huế, Nha Trang, Đồng Nai, An Giang...
Tín đồ các món chiên, nướng không thể bỏ qua các gian hàng chả viên: cá viên, tôm viên, bò viên, mực viên, xúc xích, hoành thánh chiên đến xúc xích, mực, xúc xích, thịt cuộn nấm, bò... dọc phố ẩm thực. Mỗi gian hàng tương tự có gần 20 món đồ chiên, nướng các loại, với giá từ 8.000 đồng đến 20.000 đồng mỗi món.
Tại Phường 14, Quận 10 có Phố ẩm thực Trần Văn Kiểu, hoạt động từ sáng sớm đến 22 giờ, với hơn 40 gian hàng đầy đủ các món ăn chính tới ăn chơi có thể kể đến: Bún bò, lẩu cá, cơm tấm... cho tới những món ăn nhẹ như xiên que, lẩu ly, gà nướng, thịt xiên, sinh tố.
Tại Phường 6, Quận 10 lại có Phố đi bộ đêm khu vực Kỳ đài Quang Trung. Nơi này có có diện tích rộng 1.200 m vuông với 29 gian hàng quần áo, quà lưu niệm đến gian hàng ẩm thực đa dạng các món ăn như cá viên chiên, trà sữa, xiên que, kem dừa, nước ép trái cây...
Thời gian hoạt động từ 18 - 22 giờ. Ngoài điểm nhấn không gian đi bộ xoay quanh Kỳ Đài Quang Trung được trang trí ánh đèn lấp lánh khá đẹp mắt, phố đi bộ này có không gian ẩm thực rộng rãi, đầy màu sắc.