Đừng để web drama thành video cải lương

(VOH) - Làm một kênh youtube không khó với thời đại công nghệ như hiện tại, cái khó là làm sao để giữ được chất lượng cho sản phẩm giữa hàng trăm kênh vàng thau lẫn lộn.

Web Drama cải lương – thêm một kênh tiếp cận khán giả

Kỳ II: Đừng để Web drama thành video cải lương

Một web cải lương hay, hấp dẫn không những giúp hình ảnh người nghệ sĩ được nổi tiếng hơn trong mắt công chúng mà còn mang về một nguồn thu nhập kha khá. Tuy nhiên sau tất cả, nguyên nhân được nhiều nghệ sĩ quan tâm nhất khi làm web chính là để lưu giữ lại những sản phẩm, những vai diễn mà họ đã bỏ mồ hôi nước mắt, tâm huyết để thực hiện. Lưu giữ lại hành trình đi qua trong nghệ thuật với rất nhiều bài ca, số phận nhân vật là điều mà có lẽ nhiều nghệ sĩ cũng nghĩ đến như chia sẻ của nghệ sĩ trẻ Như Huỳnh với nhiều bài ca đạt triệu view trên trang cải lương của mình.

“Mình lưu trữ lại những sản phẩm mà mình đầu tư sản xuất chỉnh chu nhất, hoàn thiện nhất trong khả năng của mình. Huỳnh cũng thấy vui hơn vì mình có thêm một lượng lớn khán giả, thương và ủng hộ mình hơn. Song song đó, mình cũng hiểu thêm về tâm tư của tất cả quý vị, muốn nghe, muốn xem như thế nào, cũng có nhiều góp ý bình luận. Huỳnh cảm thấy khán giả bây giờ rất tinh tế, sự đòi hỏi của quý vị càng ngày càng cao hơn rất nhiều. Một sản phẩm phải chỉnh chu về mọi thứ về ca, diễn, trang phục, make up, hòa âm, bối cảnh, về mọi thứ nên Huỳnh cảm thấy trân quý những điều đó.”

Đúng như nghệ sĩ Như Huỳnh đã chia sẻ, nghệ sĩ hôm nay rất tinh tế, họ không bao giờ xem những cái nhàn nhạt. Chính vì sự đòi hỏi đó, nhắc nhở mỗi nghệ sĩ khi bắt tay vào thực hiện ngoài giá trị giải trí phải đặt giá trị nghệ thuật lên hàng đầu. Cải lương thì càng khó, càng đòi hỏi khắt khe hơn. Vì bản chất nghệ thuật cải lương, tiết tấu vốn buồn, đậm chất tự sự. Bên cạnh đó là sự dung hòa của nhiều yếu tố như: ca, diễn, thoại, vũ đạo, âm nhạc, cảnh trí, trang phục… thiếu 1 trong những thứ này đều bất ổn. Vì lẽ đó mà trong khi các web drama phim, âm nhạc, ẩm thực… ào ạt ra đời thì cải lương lại đi từ từ, nhẹ nhàng như cách để dò đường, tìm cho mình một hướng hợp lý,tốt nhất để chinh phục khán giả. Đã có một thời cải lương video làm mưa làm gió trên thị trường băng đĩa, nó kéo theo một hệ lụy là khán giả chỉ thích xem video mà lười đến rạp. Vậy thì làm web drama như thế nào để sinh động, để hấp dẫn và tương tác cao chứ đừng biến nó thành những cuốn video khi nào xem cũng được.

Tất cả cảnh quay võ thuật, nhào lộn trong “Hồi sử cổ nhân” đều do Trường Giang trực tiếp biểu diễn mà không cần diễn viên đóng thế

Ảnh minh họa.  

Nghệ sĩ Hoàng Hải, một trong những nghệ sĩ trẻ đa năng của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng nhanh chóng đạt triệu view cho trang cải lương của mình bày tỏ: “Như các bạn cũng thấy hiện tại thì các chương trình sân khấu không còn hoạt động nhiều như trước thì việc đơn giản nhất để mang sản phẩm cũng như hình ảnh của mình đến với khán giả chính là các web drama. Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì rất khó, mà đối với tính chất đặc trưng của bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương thì nó lại càng khó hơn. Mình phải tìm hiểu thị hiếu của khán giả, khi một sản phẩm đưa ra web thì phải mang giá trị của nghệ thuật cải lương, nhân văn nhưng hiện đại. Phải chỉnh chu và công phu trong khâu sản xuất”

Không phải nghệ sĩ nào khi khởi động dự án này đều thành công, vì như đã nói, không như phim, hài kịch hay âm nhạc, cải lương cần có những tiêu chí khắt khe riêng mà một khi đã làm, người thực hiện buộc phải tính toán, suy nghĩ cho thật kỹ. Vì nếu không khéo thì công việc này sẽ vô tình biến thành hiện tượng cải lương video thời công nghệ. Thành công nào cũng cần thử thách, vượt qua thử thách như thế nào là chờ vào bản lĩnh và lòng yêu nghề của mỗi nghệ sĩ. Tuy nhiên dẫu làm gì thì cũng phải giữ vẹn nguyên giá trị đặc sắc của nghệ thuật cải lương, một di sản đã đi qua hơn 100 năm tuổi, sáng tạo là cần thiết nhưng đừng để nó biến dạng thành một loại hình khác như nhận định của NSND – Đạo diễn Trần Minh Ngọc – Trưởng ban lý luận phê bình Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam: “Tôi cho là cải lương phải làm mới, phải cải tiến lên, phải phong phú lên. Phải có cách tiếp cận mới đến khán giả, làm mọi thứ mới cho cải lương, miễn làm sao phải giữ được cái gốc của cải lương chính là âm nhạc. Còn về những mặt khác, diễn xuất hay những yếu tố khác thì ta làm từ từ. Phải làm thì mới có chứ nếu cứ chờ thì chẳng bao giờ chúng ta có cái mới cả.”

Trong khi các hoạt động văn hóa nghệ thuật tạm thời dừng mọi hoạt động vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì xem ra đây là một kênh hoạt động hiệu quả, nghệ sĩ đỡ nhớ sàn diễn, còn khán giả cũng có cơ hội giải trí tại nhà, được cập nhật nhiều hơn các sản phẩm mới từ nghệ sĩ mình yêu mến. Và nếu làm một cách chỉnh chu, có chiến lược, có kế hoạch cho đường dài thì đây cũng sẽ là một kênh tốt để tìm thêm thị phần khán giả, không những cho riêng từng nghệ sĩ mà còn cho cả sàn diễn cải lương chính thống. Sẽ đầy cạnh tranh và khắc nghiệt, nhưng cứ sáng tạo và nỗ lực đi rồi sẽ có được những trái ngọt, như thành công mà nhiều nghệ sĩ sân khấu đã đạt được trong hành trình đầy thử thách vừa qua.              

Lê Phương xúc động khi con trai Cà Pháo đập ống heo, mua quà sinh nhật tặng ba dượng Trung Kiên - Dù còn nhỏ tuổi nhưng cậu con trai Cà Pháo đã có những suy nghĩ và hành động vô cùng thấu đáo khiến Mai Phương cũng thấy ...
YG Entertainment lên tiếng phản hồi về những lời đe dọa đến tính mạng của Lisa (BLACKPINK) - Sau khi đại sự quán Thái Lan tại Hàn Quốc liên hệ để nói về vấn đề Lisa đang bị anti fan đe dọa tấn công, YG ...