'Thành Thăng long thuở ấy' - Nối tiếp chuỗi kịch lịch sử vào học đường

(VOH) - Làm kịch lịch sử cho người trẻ, cho HS-SV không phải quá mới mẻ, nhưng câu chuyện về “Thành Thăng Long thuở ấy” do NSND Giang Mạnh Hà dàn dựng cũng làm người xem tò mò và bị lôi cuốn.

Vì câu chuyện này vốn không mới nhưng qua tài diễn xuất của ê-kíp vốn rất quen thuộc với kịch sử của NSND Hoàng Yến thuộc Trường đại học Sân khấu diện ảnh TPHCM thì  câu chuyện lại là một bức tranh khác, không mang theo bóng dáng của bất kỳ một bản dựng nào trước kia.

Một giai đoạn lịch sử được khai thác qua nhiều loại hình sân khấu từ chèo, cải lương, phim… nhưng lần này là một lát cắt đầy hương vi: có nhạc rap, có những bản tình ca hay đến nao lòng, có không gian kịch sử đẹp đến lạ và nhiều yếu tố hấp dẫn khác làm nên một câu chuyện đẹp và thương của “Thành Thăng Long thuở ấy” – một kịch bản tiếp theo nằm trong dự án kịch sử vào học đường.

thanh-thang-long-thuo-ay-noi-tiep-chuoi-kich-lich-su-vao-hoc-duong-voh.com.vn-anh1
Một cảnh trong vở "Thành Thăng Long thuở ấy" (tác giả: Chu Thơm, đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà). Ảnh: TTO

Những ngày cuối tuần, các diễn viên của vở “Thành Thăng Long thuở ấy” tất bật chạy lại vở sau buổi ra mắt khá thành công. Từ những lời góp ý của các nhà chuyên môn, báo giới và khán giả, ê-kíp điều chỉnh và tập luyện lại cho khớp đường dây kịch bản để chuẩn bị cho kế hoạch biểu diễn định kỳ vào tối thứ 5 hàng tuần tại sân khấu Thế Giới Trẻ. Song song đó là biểu diễn tại nhiều trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kịch bản  này nằm trong dự án “Kich lịch sử vào học đường” do NSND Hoàng Yến làm giám đốc sản xuất, sau thành  công của “Yêu là thoát tội” , “Vụ án cậu trời”…

“Thành Thăng Long thuở ấy” tác giả kịch bản: Chu Thơm – một giai đoạn lịch sử Lý – Trần vốn đã rất rất quen thuộc với người yêu sân khấu. Nhiều ê-kíp, đạo diễn đã từng để lại những dấu ấn riêng với bản dựng của mình. Nhưng lần này Đạo diễn Giang Mạnh Hà cùng diễn viên của mình đã làm nên một điều thật khác biệt, với lối dàn dựng có tư duy, như một tác phẩm điện ảnh thu nhỏ có sự chọn lựa và suy nghĩ điều mà  điều khán giả cần.

Âm nhạc hiện đại khi có cả nhạc Rap và những giai điệu Ballad nhẹ nhàng. Cảnh trí gần như tối giản với những chiếc cầu thang xoay, với thành quách, tường thành… một lối thiết kế bắt mắt và thông minh khi cùng lúc có thể thay đổi các chiều không gian sân khấu với những cú xoay cầu thang, hay di chuyển những bức tường thành phá cách.

Tuy nhiên, điểm cộng lớn nhất phải dành cho diễn viên, những diễn viên có nghề và vốn rất quen thuộc với chính kịch. Những diễn viên giỏi luôn biết cách làm mình tỏa sáng dù đó là dạng vai vì hay thể loại kịch gì. Có rất nhiều năm kinh nghiệm như NSND Hoàng Yến hay diễn viên trẻ Lê Hoàng Giang hoặc Quốc Việt thì họ cũng đều làm cho người xem thấy hài lòng với vai diễn theo cách riêng của họ.

Lê Hoàng Giang – diễn viên trẻ nhưng đảm nhận vai nam chính của nhân vật hạnh phúc, cho biết: “Để chúng ta biết nhiều hơn về sử Việt Nam, khi ta tìm hiểu với những buổi kịch như thế này sẽ giúp học sinh thích thú hơn, không phải cảm thấy quá khô khan. Với sự đón nhận của khán giả hôm nay thì mình có niềm tin là các bạn học sinh sẽ thích vở kịch này”.

Đã có lần chúng tôi thắc mắc, bỏ nhiều tiền để đầu tư hàng loạt vở sử cho người trẻ, học sinh, sinh viên, vậy thì có chắc tái đầu tư được không? NSND Hoàng Yến – nhà sản xuất của chương trình chỉ cười và chia sẻ rằng lấy sự yêu kịch của lớp khán giả trẻ trong tương lai để tái đầu tư.

Quả thật điều NSND Hoàng Yến nói cũng là niềm trăn trở của biết bao người làm sân khấu. Bằng cách này hay cách khác – họ hết sức khéo léo đề được người trẻ chấp nhận. Không thể vội vã nhưng phải đặt để mình vào vị trí người xem để hiểu cần làm gì cho hay nhất. Thực tế cho thấy thì dự án này đang có những khoản “lời” thật sự -  Họ lời khi có được những bản dựng chất lượng và người xem cũng là người có gu, có chính kiến.

Kịch bản “Yêu là thoát tội” của dự án này cán mốc 100 suất diễn vào năm 2020, con số này là con số ít ai dám nghĩ tới, huống chi là kịch sử. Với họ vậy là đủ.

Khi tiếp tục đầu tư vào “Thành Thăng Long thuở ấy”, ê-kip này cũng chỉ mong nhận được khoản lời là sự háo hức chờ đón của công chúng trẻ - vì đó là khoản lời duy nhất họ cần để có niềm tin cho những dự án tiếp theo – NSND Hoàng Yến chia sẻ thêm: “Mình nghĩ đúng là phải diễn bằng tất cả tâm hồn bởi vì nó không phải là kịch sinh hoạt, không phải kịch do tác giả tạo ra từ sự hư cấu mà nó là kịch lịch sử đã định hình ít nhiều trong đầu người xem. Nên mình phải đóng làm sao không gây sự phản cảm, phải để cho người ta yêu thích nhân vật lịch sử. Mục đích của chúng mình là diễn cho học sinh các trường phổ thông trung học nên làm sao để các em tiếp cận và yêu được các nhân vật lịch sử”.

Việc sử dụng âm nhạc hiện đại cho một kịch bản sử là xưa nay hiếm nhưng khi đạo diễn Giang Mạnh Hà dám thử thách, chứng tỏ ông cũng dám chấp nhận những khen chê từ công chúng, miễn sao mang lại hiệu quả tốt nhất cho bản dựng: “Đây là một câu chuyện sống động chúng tôi muốn chuyển tải đến lớp trẻ. Hiện nay sân khấu đang nhạt nhòa do khán giả xa rời sân khấu hay do tác phẩm chưa đủ sức hút đối với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ. Chúng tôi mong muốn gửi gấm đến khán giả một câu chuyện mà đặt tính hấp dẫn lên hàng đầu để thu hút khán giả trẻ”.

Học sử thông qua tác phẩm sân khấu từ lâu không còn mới, nhưng làm thế nào để các em học sinh thích. Từ sân khấu các em thấy yêu hơn sử và ngược lại thì còn gì bằng. Câu chuyện này chắc chắn sẽ còn phải làm dài chứ không chỉ một sớm một chiều và những người yêu trẻ, yêu kịch đã bắt tay vào làm và đang làm rất tốt.

Đạo diễn Tây Phong - lần đầu tiên bước chân lên sân khấu với vai trò diễn viên và đảm nhận vai phản diện quan trọng trong kịch bản nhưng làm người xem ngỡ ngàng vì sự điềm nhiên và tĩnh tại trong tâm thế, tạo hình nhân vật – Khóc, cười cho vòng xoay thế cuộc – chua cay, xót xa nhưng đầy lôi cuốn.

Cũng như các nghệ sĩ của vở anh cũng chỉ mong mang thêm những nét chấm phá khác cho kịch sử để khán giả không còn nghĩ nó nặng nề và kén người xem: “Đây cũng là một cơ hội để mình hoàn thành nhiệm vụ đạo diễn tốt hơn. Mình nghĩ là các diễn viên cứ đào sâu vào nhân vật, giống như những cách mà các bậc tiền bối đã làm và làm bằng một sự chân thật thì sẽ có kết quả. Mình mong các bạn học sinh sinh viên và các anh chị đón nhận các vở kịch có đề tài lịch sử giống như vở “Thành Thăng Long thuở ấy”.

Người làm sân khấu chỉ biết làm hay nhất có thể và luôn lắng nghe công chúng để được là một phần của công chúng. Vấn đề còn lại: hay hoặc chưa hay sẽ còn tùy thuộc vào cảm nhận riêng của mỗi người. Và làm nghệ thuật là “làm dâu trăm họ”, khen – chê chỉ là một giới hạn rất mong manh.

Thế nhưng có một êkip bền bỉ với dòng kịch sử, với người trẻ thì đó đã là một điều đáng được động viên và khích lệ. Mong dự án này sẽ tiếp nối những thành công.

Bắt đầu với buổi diễn phục vụ đầu tiên vào tối thứ 5 ngày 18/3 tại Nhà hát Thế Giới Trẻ.