10 trường đại học công bố bài báo khoa học nhiều nhất năm 2019

(VOH) - Công bố bài báo khoa học quốc tế vừa có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân nhà khoa học, vừa là một tiêu chí để đánh giá, xếp hạng trường đại học.

Đó là lý do bảng xếp hạng công bố bài báo khoa học liên tục được cập nhật hàng năm.

Công bố bài báo khoa học quốc tế có giá trị gì?

Bài báo khoa học là bài báo có nội dung khoa học được đăng tải trên một tạp chí khoa học đã qua hệ thống thẩm định  của tạp chí. Tạp chí khoa học có hệ thống thẩm định bài trước khi đăng được gọi là tạp chí thẩm định. Tạp chí thẩm định có ban biên tập gồm các thành viên từ nhiều nước khác nhau trên thế giới được xem như tạp chí thẩm định quốc tế. Các tạp chí này có mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ.

Công bố nghiên cứu trên các tạp chí/tập san quốc tế được xem như sinh mệnh của nhà khoa học, nhưng không phải tạp chí nào cũng giá trị và được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. 

Giới khoa học thường phấn đấu công bố nghiên cứu trên các tạp chí thuộc ISI và Scopus do có uy tín với hệ thống bình duyệt khó khăn. Viện Thông tin khoa học ISI (Institute for Scientific Information) được thành lập bởi nhà khoa học Mỹ - Eugene Garfield vào năm 1960, sau đó sát nhập vào tập đoàn Thomson Reuters. Với hơn 10.000 tạp chí khoa học, ISI sẽ đánh giá, xếp hạng theo các lĩnh vực. 

Trong khi đó, Scopus là hệ thống dữ liệu khoa học với hơn 20.000 tạp chí chuyên ngành trong các ngành khoa học kỹ thuật, y tế, và xã hội, trong đó lĩnh vực xã hội là chủ yếu.

Chất lượng các tạp chí thuộc hai hệ thống trên được đánh giá dựa trên hệ số ảnh hưởng IF (Impact Factor) chia làm bốn nhóm từ quarter 1 đến 4. Công trình được công bố ở tạp chí thuộc nhóm q1 sẽ chất lượng và khó đăng hơn q4.

Chỉ số này được tính bằng tổng số lần bài báo đó được trích trong hai năm chia cho tổng số bài được trích dẫn. Ví dụ, nếu tạp chí có 100 bài trong hai năm 2016 và 2017 và được trích dẫn 200 lần thì IF của năm 2018 là 2. 

bài báo khoa học

Sinh viên nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM) (Ảnh: HL)

Việc có các công trình được xuất bản trên các tạp chí thuộc danh mục của ISI và Scopus có ý nghĩa lớn bởi vì đây là những chỉ số quan trọng nhất đánh giá vị thế và uy tín của các trường đại học trên thế giới. Trường nào có càng nhiều công trình khoa học được đăng trên các tạp chí này thì vị trí xếp hạng của các trường đó càng cao. 

Bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế sẽ khẳng định chất lượng công trình nghiên cứu, thước đo năng lực nghiên cứu, khả năng hội nhập của nhà khoa học. Số bài báo đã đăng, số lần trích dẫn của bài báo là một trong những tiêu chí để đánh giá và xếp hạng đại học.

Công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế có chất lượng là xu hướng tất yếu nhằm phát triển khoa học và tri thức nói chung trên toàn thế giới. Công bố trên các tạp chí quốc tế là góp phần đưa kết quả nghiên cứu, phát hiện mới trong nghiên cứu trong nước đến với cộng đồng khoa học quốc tế, không bị giới hạn bởi biên giới, ngôn ngữ.

Những trường đại học có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam

Dựa vào dữ liệu được tải từ hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học Scopus và cập nhật lần cuối vào ngày 1/2/2020, trong năm 2019, tổng số công bố có địa chỉ từ Việt Nam đã đạt 12.307 công bố các loại. Trong đó, số lượng công bố của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam chiếm 90,3%, tương ứng với 11.118 công bố. Số còn lại đến từ các bệnh viện, các tổ chức nghiên cứu độc lập, các công ty, các trường cao đẳng, và một số ít các trường trung học.

Các loại hình công bố của Việt Nam được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu Scopus năm 2019 gồm 11 loại: (1) article và article in press - bài báo; (2) conference paper - báo cáo hội nghị; (3) letter - bài báo ngắn dạng thư gửi tòa soạn; (4) review - bài tổng quan; (5) book - sách chuyên khảo; (6) book chapter - chương sách; (7) data paper - bài báo mô tả dữ liệu; (8) note - bài bình luận; (9) editorial - bài xã luận; (10) erratum - bản đính chính; (11) short survey - bản điều tra.

công bố bài báo khoa học

Top 10 cơ sở giáo dục đại học công bố quốc tế nhiều nhất Việt Nam năm 2019

Ngoại trừ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thì 10 cơ sở giáo dục đại học công bố quốc tế nhiều nhất Việt Nam năm 2019 gồm có:

  1. Trường ĐH Tôn Đức Thắng
  2. ĐH Quốc gia TPHCM
  3. Trường ĐH Duy Tân
  4. ĐH Quốc gia Hà Nội
  5. Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội
  6. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
  7. ĐH Đà Nẵng
  8. Trường ĐH Cần Thơ
  9. ĐH Thái Nguyên
  10. ĐH Huế

Theo thống kê từ Scopus, có tất cả 256 đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng, viện nghiên cứu có đào tạo đại học và sau đại học có công bố quốc tế trong năm 2019. Tuy nhiên, 50 đơn vị đầu tiên số lượng công bố (10.673 công bố) đã chiếm 95,9% của tất cả các đơn vị còn lại (11.118 công bố).

Phân tích về phân bố lĩnh vực của các công bố quốc tế cho thấy phần lớn các cơ sở GDĐH tập trung nghiên cứu ở các lĩnh vực (theo thứ tự alphabet): Nông nghiệp và Sinh học - AGRI; Hóa sinh, Di truyền, Sinh học phân tử - BIOC; Kỹ thuật Hóa học - CENG; Hóa học - CHEM; Khoa học Máy tính - COMP; Khoa học Trái đất và Hành tinh - EART; Năng lượng - ENER; Kỹ thuật Công nghệ - ENGI; Khoa học Môi trường - ENVI; Khoa học Vật liệu - MATE; Toán học - MATH; Y học - MEDI; và Vật lý học - PHYS. Trong đó các lĩnh vực trọng điểm nhất của các cơ sở giáo dục và nghiên cứu của Việt Nam là: Kỹ thuật Công nghệ, Vật lý, Khoa học Máy tính, Khoa học Vật liệu và Toán học.

Một số lĩnh vực cũng có lượng công bố tương đối nhưng chưa nhiều như: Kinh doanh, Quản trị và Kế toán - BUSI, Khoa học quyết định - DECI, Kinh tế - ECON, Các lĩnh vực liên ngành - MULT, Dược học - PHAR, và Khoa học Xã hội - SOCI.

Các lĩnh vực còn lại có rất ít nghiên cứu, gồm các lĩnh vực Nghệ thuật & Nhân văn - ART, Nha khoa - DENT, Ngành nghề Y tế - HEAL, Miễn dịch và Vi trùng học - IMMU, Thần kinh học - NEUR, Điều dưỡng - NURS, Tâm lý học - PSY và Thú y - VETE.

Danh sách các trường đại học có chương trình đào tạo liên kết quốc tế - Các chương trình đào tạo liên kết quốc tế đang ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng đào tạo trong các trường đại học tại Việt Nam.

16 trường đại học có điểm chuẩn thấp nhất năm 2019 - Năm 2019, nhóm đại học vùng, đại học địa phương điểm chuẩn cải thiện hơn so với năm 2018, nhưng vẫn thuộc nhóm có điểm chuẩn thấp nhất.

Bình luận