7 trường đại học kỹ thuật ký kết hợp tác trong lĩnh vực quốc tế hóa giáo dục

(VOH) - 7 trường Đại học Kỹ thuật hàng đầu Việt Nam vừa ký kết hợp tác trong hoạt động kiểm định quốc tế và bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu đào tạo tạo nhân lực chất lượng quốc tế.

Sáng 16/12, nhóm G7 gồm 7 trường đại học là trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM), Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trường Đại học Giao thông Vận tải, trường Đại học Thủy lợi và trường Đại học Mỏ - Địa chất – đã ký kết hợp tác trong lĩnh vực Quốc tế hóa giáo dục.

đại học ký kết
7 trường Đại học Kỹ thuật hàng đầu Việt Nam ký kết hợp tác trong hoạt động kiểm định quốc tế và bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu đào tạo tạo nhân lực chất lượng quốc tế.

Theo thỏa thuận hợp tác lần này, 7 trường sẽ phối hợp lĩnh vực Quốc tế hóa giáo dục, với các hoạt động hợp tác gồm: Tổ chức tự đánh giá, kiểm định, đánh giá ngoài; Văn bản, tài liệu phục vụ hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; Cung cấp nguồn lực triển khai công tác bảo đảm chất lượng, nâng cao chất lượng đào tạo; Triển khai các quy trình bảo đảm chất lượng đào tạo; Chuyển đổi số trong bảo đảm chất lượng và kiểm định; Công tác đo lường, đánh giá và dự báo, cải tiến.

Đây là cơ hội để 7 trường cùng nhau phát triển hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động kiểm định quốc tế và bảo đảm chất lượng. Trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục đại học, việc đẩy mạnh các hoạt động kiểm định quốc tế sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chiến lược phát triển, hoàn thành sứ mạng và mục tiêu tầm nhìn của mỗi trường.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học đánh giá, nhóm G7 là nhóm gồm những trường đại học tiêu biểu, cần lan tỏa giá trị G7 đang hướng tới và chia sẻ kinh nghiệm trong việc kiểm định để mang lại giá trị cộng hưởng.

Vụ trưởng cũng chia sẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn cam kết luôn đồng hành chia sẻ với các trường, các trường cần có đề nghị kịp thời để Bộ hỗ trợ tháo gỡ về mặt cơ chế chính sách để các trường cùng phát triển. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có nguồn khoản 430 tỷ đồng để đầu tư vào các khóa học dùng chung, giao nhiệm vụ cho một số trường chủ trì theo từng lĩnh vực.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, trong lĩnh vực khoa học công nghệ - kỹ thuật cơ khí giao Đại học Bách khoa Hà Nội được giao chủ trì. Các trường sẽ được hưởng thành quả và các trường có trách nhiệm cùng hỗ trợ chia sẻ với Đại học Bách khoa Hà Nội để đưa vào vận hành nền tảng dùng chung này mà trường đang triển khai.