Chờ...

Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM) đẩy mạnh chiến lược quốc tế hóa giáo dục

(VOH) - Quốc tế hóa giáo dục đại học là một trong những chiến lược đang được Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM) tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.

Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM), PGS.TS. Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, trong 06 mảng chiến lược quan trọng, Trường đang tập trung nguồn lực con người và cơ sở vật chất, xây dựng cơ chế quản trị hiệu quả để thực hiện tốt hai mảng chiến lược: Quốc tế hóa giáo dục đại học và xuất sắc trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ chuyển giao tri thức.

PGS.TS. Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng
PGS.TS. Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM)

Chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học đã và đang được Trường Đại học Bách Khoa triển khai với các giải pháp đồng bộ như: đẩy mạnh các chương trình liên kết quốc tế; quốc tế hóa tại chỗ từ nhập khẩu chương trình đào tạo nước ngoài thông qua Chương trình tiên tiến; phát triển các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh; thúc đẩy dịch chuyển sinh viên bằng những chương trình trao đổi văn hóa và trao đổi học thuật.

Xem thêm: Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tình hình mới: Phải quốc tế hóa giáo dục đại học

Kết quả thông kê gần đây cho thấy, so với giai đoạn trước, số lượng các chương trình tiên tiến của trường Đại học Bách khoa đã tăng 4-5 lần, số lượng giảng viên và sinh viên quốc tế đến học tại Trường tăng 4-5 lần, số lượng sinh viên Việt Nam trao đổi văn hóa tăng gấp 10 lần, góp phần củng cố và phát triển thương hiệu của Trường trong khu vực và thế giới.

Từ thành công của chương trình tiên tiến, trường Đại học Bách khoa đã phát triển các chương trình Chất lượng cao mang cách tiếp cận giống như chương trình tiên tiến sau này.

PGS.TS. Mai Thanh Phong cho biết, trường Đại học Bách khoa không ngừng duy trì tham gia và mở rộng hợp tác trong các mạng lưới giáo dục khoa học công nghệ quốc tế, là thành viên tích cực của 08 mạng lưới quốc tế uy tín.

Trong ba thập niên qua, năm 1994 chương trình liên kết quốc tế đầu tiên hợp tác với đại học Tasmania (Australia), đến năm 2019, Trường đại học Bách khoa có gần 30 chương trình hợp tác với nhiều đại học danh tiếng trên thế giới. Việc hợp tác đào tạo thông qua chương trình liên kết quốc tế tạo điều kiện cho trường Đại học Bách khoa tiếp cận các chương trình học của nước ngoài và điều chỉnh nội dung chương trình có chọn lọc.

quốc tế hóa giáo dục
Các sinh viên quốc tế của Trường Đại học Bách khoa năm 2019

Hiện nay, trường Đại học Bách khoa cũng đã có 10/11 Khoa đào tạo có các chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng quốc tế. Dự kiến đến cuối năm 2022, trong trường hợp chương trình đào tạo Kỹ thuật Vật liệu đạt đánh giá chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA thì tất cả các Khoa đào tạo của Nhà trường đều có chương trình đào tạo đạt đánh giá/kiểm định chất lượng theo các Bộ tiêu chuẩn quốc tế khác nhau.

Xem thêm: Đẩy mạnh kiểm định chất lượng quốc tế trong các trường đại học, hướng đến quốc tế hoá giáo dục

Theo PGS.TS. Mai Thanh Phong, quốc tế hóa giáo dục đại học là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.