Đẩy mạnh kiểm định chất lượng quốc tế trong các trường đại học, hướng đến quốc tế hoá giáo dục

(VOH) - Tăng cường kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế hướng là xu hướng được các trường đại học hướng tới nhằm mục tiêu quốc tế hoá giáo dục.

Tại hội thảo “Quốc tế hóa giáo dục đại học thông qua kiểm định và công nhận chất lượng bởi các tổ chức kiểm định quốc tế uy tín ASIIN, AQAS, FIBAA, CTI, HCERES” diễn ra vào chiều ngày 14/10, PGS.TS. Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) nhận định, việc các trường đại học đẩy mạnh kiểm định chất lượng chương trình đào tạo quốc tế trong thời gian gần đây cho thấy, hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo đã trở thành xu hướng được các trường đại quan tâm.

Các chứng nhận kiểm định chất lượng đào tạo đạt chuẩn mực quốc tế không chỉ là cam kết về chất lượng đào tạo của nhà trường đối với sinh viên, phụ huynh, các đơn vị sử dụng lao động và đối với xã hội, mà còn giúp nhà trường xây dựng một “văn hóa chất lượng”, đảm bảo chất lượng cho mọi hoạt động, đặc biệt là tích cực cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo…

PGS.TS. Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM)
PGS.TS. Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) chia sẻ tại Hội thảo

Chia sẻ với các vị lãnh đạo của hơn 30 trường đại học tham dự hội thảo, PGS. TS. Mai Thanh Phong cho biết: “Tính đến tháng 7/2022, trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã có 51 chương trình đào tạo (35%) đạt kiểm định chất lượng theo các Bộ tiêu chuẩn kiểm định quốc tế khác nhau (ABET, AQAS, ASIIN, FIBAA, AUN-QA, CTI...). Năm 2021, Trường triển khai mô hình chiến lược mới, tập trung đẩy mạnh mảng chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học, cụ thể là tăng cường kiểm định theo các tổ chức kiểm định quốc tế và tìm kiếm thêm các tổ chức kiểm định mới uy tín như ASIIN, AQAS, FIBAA. Nhà trường đã triển khai đánh giá/kiểm định chất lượng cho 20 chương trình đào tạo trong năm 2021 và nhận được kết quả chứng nhận chính thức trong năm 2022…”

Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM)

Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) vừa có thêm nhiều ngành đạt chuẩn kiểm định CTI, FIBAA, ASIIN

Nêu ý kiến trong chương trình, đại diện một số trường đại học đánh giá cao nỗ lực của trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) trong việc thực hiện kiểm định chất lượng không chỉ ở cấp chương trình đào tạo mà còn ở cấp cơ sở giáo dục. Đây cũng là mục tiêu mà các trường hướng tới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các trường vẫn gặp một số vướng mắc liên quan tới các tiêu chí đánh giá, chọn tiêu chuẩn kiểm định, quy trình kiểm định, chuẩn bị hồ sơ…

Để tháo gỡ những băn khoăn này, đại diện của trường Đại học Bách khoa TPHCM đã nghiêm túc trao đổi, chia sẻ nhận thức và kinh nghiệm về việc thực hiện kiểm định chất lượng quốc tế với các trường, từ đó, tạo động lực cho các trường thúc đẩy quá trình kiểm định, tiến tới nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực - một trong những chiến lược mũi nhọn được các trường quan tâm hiện nay.

Trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học cũng như các văn bản dưới luật, yêu cầu triển khai kiểm định chất lượng ở cả hai cấp cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo tại các trường đại học đều đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra tương đối đầy đủ, nhằm khuyến khích các trường tham gia kiểm định chất lượng theo chuẩn của Bộ cũng như chuẩn quốc tế. 

Thực tế, một số trường thuộc top đầu đã nắm bắt xu thế này khá nhanh, chẳng hạn như trường Đại học Bách khoa TPHCM (ĐHQG-HCM). Hiện nay, trường Đại học Bách khoa đã có 10/11 Khoa đào tạo có các chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng quốc tế. Dự kiến đến cuối năm 2022, trong trường hợp chương trình đào tạo Kỹ thuật Vật liệu đạt đánh giá chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA thì tất cả các Khoa đào tạo của Nhà trường đều có chương trình đào tạo đạt đánh giá/kiểm định chất lượng theo các Bộ tiêu chuẩn quốc tế khác nhau.

Việc kiểm định chất lượng quốc tế cho nhiều chương trình đào tạo không chỉ giúp trường cải thiện liên tục chất lượng đào tạo mà còn tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia thị trường lao động quốc tế hoặc học tập cao hơn ở nước ngoài. Đồng thời, cho phép trường mở rộng hợp tác đào tạo quốc tế, tuyển sinh sinh viên quốc tế và trao đổi sinh viên trong phạm vi một chương trình cụ thể.

Với những áp lực ngày càng gia tăng về trách nhiệm giải trình và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong tuyển sinh, việc các trường đại học tham gia kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc gia - quốc tế đều sẽ mang tính quan trọng sống còn trong thời gian tới. Do đó, những kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo sẽ giúp ích rất nhiều cho các trường đại học trong lộ trình phát triển của mình.