Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất không tăng học phí năm học 2021-2022

(VOH) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất cho gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86, giữ nguyên mức học phí hiện hành ở tất cả các cấp học đối với năm học 2021 - 2022.

Đây cũng là một phần nội dung Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP về vấn đề thu học phí các bậc học.

Do Nghị định số 86 chỉ có thời hạn hiệu lực đến hết năm học 2020 - 2021, nên để có căn cứ pháp lý cho các cơ sở GD-ĐT thực hiện từ năm học 2021 - 2022 và các năm tiếp theo, cần phải xây dựng nghị định thay thế", Một lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.

ko tăng học phí
Ảnh minh họa

Bộ GD-ĐT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 86. Thời hạn trình Chính phủ hồ sơ dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86 theo kế hoạch là tháng 12/2020. Bộ GD-ĐT đã dự thảo và đang lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, các địa phương, các cơ sở GD-ĐT và toàn xã hội để hoàn thiện dự thảo nghị định. Hiện nay, dự thảo nghị định đã được đăng lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để xin ý kiến nhân dân. Bộ GD- ĐT đã tổng hợp đầy đủ kết quả báo cáo của 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương và các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo.

Bộ GD-ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề xuất xem xét, cho phép được gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86 đối với năm học 2021 - 2022 với mức học phí giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp áp dụng theo mức học phí của năm học 2020 - 2021 đã được quy định tại Nghị định số 86.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc giữ nguyên mức học phí nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.

Nếu đề xuất của Bộ GD-ĐT về việc lùi thời gian trình ban hành Nghị định thay thế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì 2 năm nữa mới áp dụng nghị định mới (từ năm học 2022 - 2023) và lộ trình tăng thêm hàng năm chỉ khoảng 2,5%/năm so với mức tăng hàng năm của Nghị định số 86 đã ban hành".

Dự thảo Nghị định thay thế đã mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bổ sung nhiều chính sách mới để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả mọi đối tượng yếu thế trong xã hội, tập trung hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục.

Ngoài ra, các quy định khác tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP vẫn được giữ nguyên cho giai đoạn từ năm học 2021-2022 về sau.