Các địa phương cần có kế hoạch bố trí vốn trong xây dựng trường lớp

(VOH) - Vấn đề cơ sở vật chất trường lớp được nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2019 - 2020, phương hướng  nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 cấp tiểu học do Bộ GD-ĐT chủ trì.

Năm học 2019-2020 vừa qua là năm bản lề thực hiện mục tiêu kép, vừa tổ chức tốt cho năm học hiện hành, vừa chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục mới. Năm học này có hơn 8 triệu học sinh tiểu học tăng gần 280.000 (276.000) em. Cả nước có gần 15.000 trường với tỷ lệ phòng học/lớp là 0.98. Tỷ lệ này đang tiệm cận yêu cầu 1 phòng học/lớp để có thể đảm bảo học 2 buổi/ngày.

Trong đó, 70% số phòng học kiên cố, hơn 28% bán kiên cố và tạm mượn là 1.8%. Để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cả nước có hơn 1.500 phòng học đang mượn cơ sở. Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học, cho biết hiện tỷ lệ bình quân là 31 học sinh/lớp tăng so với năm trước đó là 29 học sinh/lớp. "Quy mô trường lớp nếu không có quy hoạch dài hơi, việc tăng sỉ số, tăng lớp học cũng là việc rất cần các địa phương quan tâm. Nếu tính bình quân học sinh/lớp, thì các địa phương đang đảm bảo các điều lệ tuy nhiên một số địa phương tỷ lệ này khá cao."

Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2019-2020 triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 cấp tiểu học.
Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2019-2020 triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 cấp tiểu học

Ngoài TPHCM, tại Hà Nội, tình hình tăng dân cơ học cũng khá lớn. Dù địa phương tích cực thực hiện nhưng vẫn không đáp ứng điều lệ trường tiểu học là 35 học sinh/lớp. Năm học vừa qua, Hà Nội có gần 1.000 lớp có sỉ số trên 55 học sinh và 2.000 lớp có sỉ số 50 học sinh. Trong khi đó điều lệ trường tiểu học quy định số học sinh/ lớp cũng gây khó khăn cho việc bổ sung biên chế tại các tỉnh vùng xa.

Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai kiến nghị: "Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT có điều chỉnh sửa đổi điều lệ trường học để có quy định về số lượng học sinh/lớp học theo vùng miền. Đây là cơ sở cho ngành giáo dục tham mưu với sở Nội vụ trong việc bổ sung biên chế  cho ngành giáo dục." 

Để hỗ trợ các địa phương giảm bớt áp lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép nâng tầng các cơ sở trường học. Tuy nhiên, để có thể khắc phục căn cơ tình trạng này, các địa phương phải thực hiện các giải pháp như quy hoạch, bố trí đất, nâng mức đầu tư... Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, tới đây tiêu chí trường học nông thôn mới sẽ điều chỉnh theo mục tiêu kép là đạt yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục mới và xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần lưu ý các đặc thù của địa phương. Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn, các địa phương cần rà soát sắp xếp và bố trí quỹ đất tính toán căn cơ, tầm nhìn trung hạn, dài hạn. "Chúng ta phải có kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025, theo đó các địa phương bố trí vốn trung hạn, tránh tình trạng ăn đong từng năm một. Phải rất rõ trong vấn đề rà soát, dồn ghép các trường. Bởi vì khi hệ thống các trường bị phá vỡ, các đồng chí khôi phục lại rất khó. Lúc đó, tạo ra sự đứt gãy chất lượng, chứ không phải đơn giản. Các đồng chí sắp xếp dồn nén vào không khó nhưng khôi phục lại cho tốt vô cùng khó."   

Tại hội nghị, các vấn đề về thiếu hụt lực lượng giáo viên tiếng Anh, tin học, sách giáo khoa, tập huấn giáo viên cho chương trình mới... cũng được các đại biểu nêu ra, đồng thời kiến nghị những đề xuất.

Nhiều đổi mới trong tuyển dụng giáo viên tại TPHCM - Điểm khác biệt của kỳ tuyển dụng giáo viên năm nay là toàn bộ quy trình đăng ký dự tuyển thực hiện trực tuyến, giúp rút ngắn thời gian cho cả ứng viên và hội đồng xét tuyển.
Ngày 27/8 công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2020, xét công nhận tốt nghiệp khi nào? - Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ sẽ được các Sở GD-ĐT thực hiện và hoàn thành chậm nhất vào 30/8