Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với giáo dục

(VOH) – Sáng 8/11, Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục” do diễn giả PGS. TS. Hồ Thanh Phong – Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế trình bày đã diễn ra tại hội trường Đại học Quốc tế.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn, tác động đến nhiều lĩnh vực đối với đời sống, kinh tế xã hội và đây chính là thách thức của ngành giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu mới của xã hội.

PGS. TS. Hồ Thanh Phong trình bày những tác động của cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với cuộc sống

PGS. TS. Hồ Thanh Phong trình bày những tác động của cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với cuộc sống

Theo PGS. TS. Hồ Thanh Phong, giáo dục 4.0 liên quan đến cách mạng Công nghiệp 4.0. Ở đó con người, máy móc thiết bị, công việc được kết nối mọi nơi để tạo ra nền giáo dục thiên về đào tạo cá nhân hóa.

Trong khái niệm mới này, trường học, con người, chương trình, phương tiện truyền thông.…được chuyển đổi thành đối tượng thông minh hơn, đặt trong một Hệ sinh thái sáng tạo, khởi nghiệp.

Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng thế nào đến các hoạt động của các trường đại học, PGS. TS. Hồ Thanh Phong cho biết, về cơ bản các hoạt động của các trường đại học vẫn đảm bảo giá trị cốt lõi của Đại học là chất lượng đào tạo, sáng tạo, tự do học thuật, đáp ứng như cầu xã hội. Nhưng với Cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội ngày càng có nhu cầu và đòi hỏi khác biệt, khắt khe hơn, vì vậy các trường đại học phải sáng tạo và linh hoạt trong mọi hoạt động.

Phải có một Smart University trong tình hình mới.

Rất đông giảng viên, sinh viên tham dự buổi hội thảo

Rất đông giảng viên, sinh viên tham dự buổi hội thảo

Smart University gồm các chương trình đào tạo linh hoạt, tạo ra nhiều chọn lựa cho người học. Phương thức đào tạo linh hoạt. Kết nối toàn diện con người, phương tiện, thiết bị, phần mềm với nhau. Tăng cường tối đa các loại dịch vụ. Hệ thống quản lý chắc chắn. Giảng viên tích cực nghiện cứu, chuyển giao công nghệ và sáng tạo khởi nghiệp. Đặc biệt là sinh viên tham gia khởi nghiệp.

Ngoài ra PGS. TS. Hồ Thanh Phong đề xuất các bước cơ bản chiến lược trong việc ứng phó với Cách mạng công nghiệp 4.0 trong đại học là vạch ra chiến lược ứng phó, đưa ra các đề án thử nghiệm, xác định năng lực đang có hoặc tư vấn, thu thập và phân tích số liệu cao cấp, chuyển đổi dần qua kỹ thuật số và chủ động lập kế hoạch cho tiếp cận hệ thống, thực thi toàn hệ thống.