Chờ...

Cách mạng công nghiệp 4.0: Làm theo cách cũ, đại học sẽ... biến mất

(VOH) - Tại các quốc gia phát triển, trường đại học có vai trò chủ yếu để tạo ra các cơ hội nghiên cứu, sáng tạo, tinh thần doanh nhân thông qua liên kết đại học và doanh nghiệp.

Cùng với trọng tâm của các quốc gia là cuộc cách mạng 4.0, việc xây dựng mối quan hệ giữa chính phủ – trường đại học – doanh nghiệp trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Các đại biểu đã nhấn mạnh nội dung này tại hội thảo Thúc đẩy hợp tác hiệu quả doanh nghiệp và đại học - Chia sẻ kinh nghiệm thành công của Việt Nam và Vương quốc Anh. Sự kiện do Hội đồng Anh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức. 

Cứ dạy theo cách cũ là đại học sẽ… biến mất

Tại hội thảo, những mô hình thực tế của các trường đại học Vương quốc Anh như mô hình hợp tác ba bên chính phủ – trường đại học và doanh nghiệp của Đại học Salford, hay mô hình hợp tác đại học doanh nghiệp mang tầm thế giới của Đại học Cranfield đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ việc xây dựng mạng lưới chuyên gia hỗ trợ giảng viên đại học tham gia chương trình hợp tác với doanh nghiệp.  

Theo Giáo sư Hisham Elkadi, Đại học Salford chia sẻ, trong điều kiện thế giới đều thay đổi ở tất cả các lĩnh vực, sinh viên thay đổi, nếu trường đại học cứ giảng dạy theo cách cũ, trường nào không chịu thay đổi sẽ nhanh chóng biến mất.

Cách mạng công nghiệp 4.0, Giáo sư Hisham Elkadi, Đại học Salford

Giáo sư Hisham Elkadi, Đại học Salford chia sẻ các mô hình hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp được áp dụng tại trường này.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ thay đổi ở công nghệ mà cả về văn hóa, lối sống, sinh hoạt… Theo Giáo sư Hisham Elkadi, đại học cần xây dựng mạng lưới chuyên gia hỗ trợ giảng viên đại học tham gia chương trình hợp tác với doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ và hợp tác với doanh nghiệp; hay huy động doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển chương trình, cung cấp cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, họ cũng đẩy mạnh việc nâng cao năng lực hợp tác với doanh nghiệp thông qua chương trình đào tạo tiến sĩ, kỹ năng hợp tác doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng vật chất để thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp.

Giáo sư Tiến sĩ Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tâm đắc: “Cách mà họ gửi sinh viên đến doanh nghiệp thực tập. Có những đề tài tiến sĩ được thực hiện tại doanh nghiệp, có sự hỗ trợ kinh phí từ chính phủ, trừ thuế cho họ như thế nào… Đó là những phương thức rất cụ thể mà sau này chúng ta có thể đề xuất Chính phủ áp dụng”.

Đại học phải tự thay đổi

Từ thực tiễn đại học Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, mô hình gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp là sự kết nối quan hệ cung – cầu về nguồn nhân lực đang diễn ra trên thị trường lao động, tuy nhiên, có một nghịch lý là sinh viên ra trường không tìm được việc làm, doanh nghiệp lại không tuyển được nhân lực đáp ứng được nhu cầu.

Một nguyên nhân chính là chưa có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, đặc biệt là giữa hai tác nhân này vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung để tiến tới hợp tác trong các hoạt động liên quan đến đào tạo.

Theo Tiến sĩ Hạ, việc thành lập công ty trong trường đại học cũng là một hướng kết nối giữa doanh nghiệp và trường học mà trường đã thực hiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều giải pháp khác mà các trường đại học Việt Nam cần nghiên cứu.

“Để phát triển, tôi nghĩ cần một mô hình rõ ràng hơn. Chúng ta cần có những bộ phận chuyên trách để gắn đào tạo với doanh nghiệp. Bởi vì như vậy chúng ta sẽ hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp, họ cần gì để trường đại học cung cấp theo “đơn đặt hàng”. Ngược lại, doanh nghiệp cũng đồng hành trong đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập, đi thực tế, tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp. Những mô hình này hoàn toàn hợp lý, trong điều kiện trường đại học Việt Nam có thể làm được”.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Các trường đại học ở Anh có lợi thế là nguồn lực rất tốt để đầu tư cho nghiên cứu, đầu tư cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Với những hạn chế về nguồn lực của Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ sự chủ động của nhà trường phải nhiều hơn nữa, để làm sao lôi kéo được doanh nghiệp, hướng doanh nghiệp vào hoạt động đào tạo để hai bên cùng kết hợp với nhau trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực, mới có thể cho ra được những sản phẩm phục vụ thật tốt cho thị trường lao động”.

Tại hội thảo, bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết, giáo dục đại học quốc tế tại Việt Nam vẫn đang duy trì tốt các hợp tác với Vương quốc Anh trong lĩnh vực giáo dục và phát triển các chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam - qua đó tạo nền tảng cho việc phát triển mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp.

Việt Nam đang trong quá trình tiếp tục thúc đẩy phát triển các chính sách hỗ trợ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, những thách thức mang tính hệ thống mà Việt Nam đang phải đối mặt không chỉ là những thách thức dễ dàng giải quyết được chỉ với công nghệ. Tập trung cải thiện về chất lượng giảng dạy, gia tăng tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp…

Những vấn đề này cần được giải quyết thông qua các chương trình trao đổi và giao lưu quốc tế, cùng với sự hỗ trợ của mạng lưới đối tác trường đại học và doanh nghiệp.

Sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM có thể học liên thông lên trình độ thạc sĩ từ năm 3 đại học - PGS Ts Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) ký Quyết định ban hành Quy định tạm thời về đào tạo liên thông từ trình độ đại học lên trình độ thạc sĩ tại ...

Facebook cấm Huawei cài đặt ứng dụng Facebook, Instagram và WhatsApp trên các mẫu điện thoại mới - Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã có động thái ngừng hợp tác với Huawei sau khi hãng công nghệ Trung Quốc này bị đưa vào 'danh sách đen' của chính phủ Mỹ.