Chờ...

Cần cơ chế thoáng hơn về tự chủ đại học

(VOH) - Sáng 25/12, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học” tại TPHCM.

Tính đến thời điểm hiện tại, việc áp dụng cơ chế tự chủ đã được triển khai tại 23 trường đại học trên cả nước. Thế nhưng, các cơ chế, quy định liên quan đến việc tự chủ hiện vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, những hạn chế về quyền tự chủ trong việc tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính khiến không ít trường gặp khó khăn trong quá trình hoạch định kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cũng như chương trình đào tạo.

Nhiều đại biểu cho rằng, để quá trình tự chủ trong các trường đại học thời gian tới được thể hiện đúng thực chất thì cần giải quyết hài hòa các vấn đề liên quan, nhất là mối quan hệ giữa quyết định chi ngân sách đầu tư cho giáo dục, mức học phí và cơ chế tạo nguồn thu.

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi sắp tới cũng cần có những cơ chế thoáng hơn để các trường được linh động trong việc tuyển dụng, chi trả lương cho giảng viên, cán bộ thì mới thu hút được nhân tài.  

GS Phạm Phụ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hà Ánh - TNO

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội khẳng định, tài chính và nhân sự là hai vấn đề quan trọng trong tự chủ đại học.

“Vì sao đại học phải có tự chủ? Đây là vấn đề được đặt ra. Vì nơi đây mật độ các nhà tri thức rất lớn, hãy để họ tư duy để tạo ra năng lượng cho xã hội. Muốn được như vậy phải tạo môi trường thoải mái, đấy là cái gốc của vấn đề tự chủ. Sự thăng hoa của tư duy trí tuệ ở đại học cực kỳ quan trọng, nằm trong khuôn viên của trường đại học. Còn khi bước ra ngoài, đại học phải tuân theo luật pháp của Nhà nước. Do đó, cái gốc của vấn đề tự chủ nó nằm ở chỗ thăng hoa cuối cùng của mỗi thầy cô giáo, sinh viên trong trường đại học đó. Hai vấn đề tự chủ mà ta nhấn nhiều nhất là tài chính và nhân sự”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Thanh Bình nói.