Cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần của trẻ em hậu Covid-19

(VOH) - UNICEF sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ giải quyết vấn đề sức khỏe tinh thần của trẻ em hậu Covid-19 tại các trường học của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa có buổi tiếp Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam, bà Rana Flowers. Hai bên đã trao đổi một số nội dung hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và UNICEF giai đoạn 2017-2021 và thống nhất một số ưu tiên, khuyến nghị hợp tác trong chu kỳ 2022-2026.

can-quan-tam-den-suc-khoe-tinh-than-cua-tre-em-hau-covid-19-voh.com.vn-anh1
Do dịch bệnh Covid-19, 55% tổng số trẻ em trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải chuyển sang hình thức học trực tuyến (Ảnh: HL)

Bà Rana Flowers nhận định, thời gian qua, hai bên đã có rất nhiều hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực khác nhau. 

Về việc hỗ trợ, giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19 tới trẻ em Việt Nam, bà Rana Flower cho biết: UNICEF đang phối hợp với các cơ quan của Việt Nam rà soát, thống kê số lượng trẻ em chịu tác động của dịch Covid-19 để có hình dung đầy đủ và có giải pháp hỗ trợ phù hợp.Bà Rana Flowers mong muốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng theo dõi, nắm bắt thông tin thống kê này; đồng thời hỗ trợ phân tích số liệu về sự tác động của dịch bệnh đối với giáo dục. 

Một tác động khác của Covid-19 tới trẻ em cũng cần được quan tâm là vấn đề sức khỏe tinh thần. Về vấn đề này, bà Rana Flowers cho biết, UNICEF sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ giải quyết tại các trường học của Việt Nam.

Tập huấn công tác “Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học”

Chương trình ETEP vừa tổ chức Tập huấn và chuyển giao trực tuyến tài liệu bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán và đại trà modul 5 – “Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học”.

Trong quy trình tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, việc quan trọng đầu tiên là phải nhận diện được vấn đề học sinh đang gặp phải và nhu cầu tư vấn, hỗ trợ của các em. Tiếp đó là xây dựng kế hoạch hỗ trợ và tổ chức thực hiện.

Đây không chỉ là công việc của cán bộ tư vấn tâm lý học đường mà từng nhà giáo – những người đang làm nhiệm vụ giáo dục chứ không đơn thuần là dạy học truyền thụ kiến thức, phải cùng tham gia.

Do đó, từng cán bộ, giáo viên cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác này và tích cực triển khai hiệu quả. Để làm được điều đó, mỗi giảng viên sư phạm chủ chốt tham gia tập huấn lần này cũng phải nhận thức rõ vấn đề và lan toả tới các giáo viên phổ thông cốt cán/đại trà sẽ được giảng viên bồi dưỡng trong thời gian tới đây.

Dự kiến, việc tập huấn công tác “Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học” cho giáo viên phổ thông cốt cán, đại trà sẽ được các trường sư phạm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh tổ chức vào tháng 11 tới.