Từ ngày mai (4/10), nhiều doanh nghiệp cũng yêu cầu nhân viên đi làm trở lại. Đây là tin vui, cũng là điều lo lắng đối với những người có con học tiểu học bởi dù họ đi làm nhưng con trẻ lớp 1, lớp 2 ở nhà vẫn phải học online.
Nhiều nỗi lo khi để trẻ lớp 1, lớp 2 học online lúc bố mẹ đi làm
Một phụ huynh tên T. T. có con học lớp 2 tại Thành phố Thủ Đức lo lắng: “Nhà mình do dịch bệnh, ba của bé 5 tháng rồi chưa được về nhà, mẹ vẫn phải đi làm tuần 2-3 buổi. Mẹ có nhà ngồi cạnh thì nhắc 2 phút một lần con mới nhìn màn hình, học không tập trung nên không biết cô đang nói gì luôn.
Còn nếu mẹ đi làm, bạn ở nhà học online cứ như… trên mây, tối về mẹ vẫn đều phải dạy lại. Không biết, mấy bữa đi làm cả tuần rồi con ở nhà học hành ra sao?”.
Một phụ huynh khác tên L. X cũng cũng cùng nỗi lo lắng: “Sang tuần mình cũng trở lại công ty làm việc, ở nhà các con không có điện thoại để học, mà để để điện thoại ở nhà cho con một mình thì mình không yên tâm. Con ham chơi và không tập trung đâu, giờ có điện thoại thích quá lại muốn nghịch bấm cái nọ cái kia thì không sao quản lý được”.
Với các bậc phụ huynh có con học lớp 1, lớp 2, thậm chí là học mẫu giáo – việc kè kè bên trẻ trong giờ học online quả thực như… “đánh vật” bởi trẻ hoặc thiếu tập trung hoặc mải chơi không nhìn màn hình hoặc tò mò bấm linh tinh trong máy hoặc tệ hơn là cứ người lớn ra khỏi tầm mắt là bé chơi game.
Có phụ huynh dở khóc dở cười kể: “Bé nhà mình có lần bị “bắt quả tang” ngồi khoanh tay ngoan ngoãn trước màn hình, mẹ ngồi gần vẫn nghe tiếng cô giảng bài nhưng nhìn vào màn hình thì thấy anh ấy đang chăm chú xem phim hoạt hình”.
Phụ huynh khác còn “mệt mỏi” hơn khi con cứ để mặc cho cô nói còn tay mải miết bấm bấm, gọi nhau, khoe đồ chơi, bấm đổi phông nền... “Đó là mẹ ngồi làm việc ngay bên cạnh con, chứ mẹ đi làm là phải chấp nhận cho con làm gì làm, tối về mẹ dạy lại sau” – vị phụ huynh thở dài...
Cần sớm có giải pháp “gỡ rối” cho phụ huynh
Theo khảo sát từ hãng bảo mật Kaspersky, có 55% tổng số trẻ em trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì dịch Covid-19.
Tuy nhiên, 74% trẻ em trong số đó không thích học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình; 57% học sinh cảm thấy bài giảng trực tuyến khó hiểu hơn, khó tập trung hơn so với học trên lớp.
Tuy vậy, trong tình hình hiện nay học trực tuyến là giải pháp tối ưu nhất và sẽ sớm trở thành một hình thức học chính thức. Vấn đề ở chỗ, nhà trường và phụ huynh cần hợp tác như thế nào để giúp trẻ có thể học online hiệu quả, nhất là với lứa tuổi lớp 1, lớp 2 – chưa có ý thức tự học, thiếu sự tập trung nhưng vô cùng hiếu động.
Đầu tháng 9/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công điện yêu cầu các địa phương ưu tiên bố trí để học sinh lớp 1, 2 học trên truyền hình và chủ động có phương án tiếp sóng, phát lại các bài giảng bảo đảm một môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày, đồng thời kết hợp chuyển tài liệu học tập đến tận tay học sinh tại những địa phương mà học sinh không đủ điều kiện, khả năng tiếp cận học tập trực tuyến.
Xem thêm: Mức độ tiêu chí an toàn dưới 30% các trường có khả năng không được tổ chức hoạt động
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các sở Giáo dục Đào tạo hướng dẫn để tổ chức tiết học trực tuyến không kéo dài như dạy học trực tiếp trên lớp, đảm bảo sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh khi phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại, tivi.
Yêu cầu này đã được nhiều nơi triển khai nhưng nhìn chung, kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Đối với các bậc phụ huynh tại TPHCM – sắp tới chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn đi làm trở lại trong khi trẻ vẫn chưa được trở lại trường – họ ngoài nỗi lo về sự thiếu tập trung của trẻ khi học mà thiếu sự giám sát của cha mẹ, thì còn nỗi lo về thiếu trang thiết bị như máy tính, điện thoại vì cha mẹ phải mang đi làm.
TPHCM nhiều lần giãn cách, nhiều giai đoạn học sinh phải học online trong hai năm qua nhưng nỗi lo của phụ huynh vẫn chưa bao giờ vơi. Giai đoạn này, việc kiếm người trông con gặp khó, nhờ ông bà từ các tỉnh thành khác đến trông, kèm cháu lại càng khó.
Do đó, ngành giáo dục cần sớm có giải pháp “gỡ rối” cho việc học online, cũng cần sớm có lộ trình cho trẻ trở lại trường để việc học hành của các em ổn định hơn, trẻ tránh được những rủi ro khi ở nhà học, chơi một mình còn phụ huynh cũng vơi bớt âu lo khi phải chạy đua với công việc trong một năm sóng gió vì dịch bệnh.