Cho học sinh đi học trở lại, khó mấy cũng phải làm

(VOH) - Từ ngày 14/2, tất cả học sinh, sinh viên từ mầm non đến đại học đều đã đi học trở lại.

Mặc dù những ngày đầu có phát hiện những ca F0 nhưng các cơ sở giáo dục đã nỗ lực phối hợp tốt với ngành y tế để xử lý đúng theo quy trình phòng chống dịch Covid-19 trong trường học, đảm bảo cho các học sinh còn lại được đi học bình thường.

Từ giữa tháng 12/2021, sau hơn 7 tháng ở nhà học trực tuyến, hơn 100.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 ở TP.HCM đã trở lại trường học trực tiếp. Tiếp theo đó, đến đầu tháng 1/2022, các học sinh lớp 7, lớp 8 và học sinh lớp 10 và lớp 11 tiếp tục được đi học lại.

Sau Tết Nhâm Dần 2022, từ ngày 14/2, toàn thể các khối lớp từ mầm non đến đại học tại TPHCM bắt đầu đi học trực tiếp bình thường.

Để thực hiện được điều này, là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, trong đó, ngành y tế và ngành giáo dục thành phố đã có sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, đáp ứng theo yêu cầu đặt ra theo từng thời điểm dịch bệnh.

cho-hoc-sinh-di-hoc-tro-lai-kho-may-cung-phai-lam-voh.com.vn-anh1
Từ ngày 14/2, toàn thể các khối lớp từ mầm non đến đại học tại TPHCM bắt đầu đi học trực tiếp bình thường. (Ảnh minh họa: SGGP)

Học online phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực đối với học sinh

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, việc học trực tuyến thời gian dài đã gây nhiều khó khăn cho học sinh lẫn phụ huynh. Trong đó, học sinh có nguy cơ như thừa cân, béo phì do hạn chế vận động; nguy cơ bị tật khúc xạ, ù tai do thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử, đeo tai nghe. 

Ngoài ra, việc sử dụng máy tính, điện thoại nhiều cũng gây cho các trẻ nghiện game, nghiện máy tính, không muốn đi ra ngoài, không muốn tiếp xúc, trao đổi với mọi người xung quanh, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ. 

Bên cạnh đó, năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Nếu kéo dài thời gian học trên Internet của học sinh các lớp này gây khó khăn không chỉ cho giáo viên, học sinh, phụ huynh mà còn ảnh hưởng đến việc đảm bảo chất lượng nội dung chương trình.

Do vậy, việc cho học sinh đi học trở lại, dù khó mấy cũng phải làm, để đảm bảo quyền lợi của trẻ cũng như tạo môi trường thoải mái cho trẻ trong học tập, từ đó, kích thích việc yêu thích học tập cho trẻ.

Sẵn sàng mở rộng đối tượng học sinh trở lại trường học trực tiếp

Theo ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, hiện nay công tác tổ chức dạy học ở các cơ sở giáo dục đã đi vào ổn định, không phát sinh các vấn đề phức tạp. Tất cả tình huống xảy ra và công tác phòng chống dịch Covid-19 nói chung đều thực hiện tốt, đảm bảo nhu cầu công tác chuyên môn cũng như công tác phòng chống dịch.

Từ ngày 1/3, tùy theo điều kiện của từng trường và tình hình dịch bệnh nói chung của từng địa phương thì có thể mở rộng ra các khối lớp khác.

Ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố thông tin: "Các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến trung học phổ thông thành phố đã trở lại hoạt động. Số lượng và quy mô tăng lên, sự đồng thuận của phụ huynh cho các em đến trường rất đông. Điều đó vừa là động lực, vừa là áp lực cho nhà trường.

Đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay của thành phố, chúng tôi dự báo trong tuần này và trong những ngày tiếp theo sẽ có những diễn biến phức tạp cho việc phòng chống dịch ở các cơ sở giáo dục. Chính vì vậy, Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc tổ chức tăng cường việc thực hiện phòng chống dịch Covid-19 sau Tết Nguyên Đán trong các cơ sở giáo dục".

Hiện nay nhiều phụ huynh còn ái ngại cho các em đến trường do sợ lây nhiễm chéo Covid-19 trong trường học. Mặt khác, do nhiều em nhỏ chưa được tiêm vắc xin, tỷ lệ mắc bệnh cao cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cho biết, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, tuy nhiên Sở Y tế đã có văn bản tham mưu UBND thành phố về kế hoạch tiêm ngay khi có thể triển khai.

Để trấn an tinh thần cho phụ huynh hoc sinh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cũng đã chủ động tập huấn, chủ động hướng dẫn các địa phương về việc giám sát tiêm chủng, bảo quản vắc xin, thậm chí xử lý những trường hợp tai biến để chuẩn bị tốt nhất cho trẻ khi triển khai công tác tiêm chủng.

Ông Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh : "Ngành giáo dục cũng như ngành y tế hết sức cảnh giác và đang làm hết sức mình để có sự chuẩn bị về quy trình xử lý F0, cũng như giám sát xử lý các F0, F1, cố gắng không để những trường hợp F0 lây lan trong nhà trường.

Trong 2 năm nay, ngành y tế cũng phối hợp ngành giáo dục kiểm tra một số trường, kịp thời quản lý, chấn chỉnh, hướng dẫn để cho trường thực hiện chặt chẽ hơn".

Không chỉ các em học sinh nhỏ lo ngại covid 19 khi đi học mà sinh viên tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học cũng có sự lo lắng và khó khăn khi quay trở lại học trực tiếp.

Theo chị Ông Thị Ngọc Linh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Sinh viên Thành phố, tính đến ngày 14/2 có khoảng 25 trường Đại học, Cao đẳng tại thành phố chính thức cho sinh viên bắt đầu học trở lại. Theo đó, để hỗ trợ cho sinh viên quay trở lại thành phố học, Thành đoàn TPHCM cũng đã triển khai nhiều chương trình thiết thực như tổ chức đội hình hỗ trợ đón sinh viên tại các bến xe, tổ chức giới thiệu các điểm nhà trọ an toàn, uy tín, giới thiệu các nội dung liên quan đến việc làm thêm, hỗ trợ học bổng, vay vốn tín dụng đóng học phí và giới thiệu thêm các khóa học kỹ năng phù hợp với từng đối tượng sinh viên.

Chị Ông Thị Ngọc Linh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Sinh viên Thành phố cho hay: "Một khó khăn hiện nay khi sinh viên quay trở lại học tập trực tiếp là tâm lý cũng như sức khỏe. Do đó, một nội dung cũng được hội sinh viên thành phố chăm chút là tổ chức nói chuyện chuyên đề hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe cho sinh viên. Các nội dung này đều được đăng tải trên các trạng trực tuyến của hội sinh viên thành phố.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kết hợp với hội sinh viên các trường kiểm soát công tác tiêm chủng đối với sinh viên khi nhập học trở lại và chỉ đạo cùng với các trường tham mưu hỗ trợ nhà trường, đảm bảo sinh viên có thể tiêm vắc xin Covid đủ liều theo như khuyến nghị của Bộ Y tế".

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch cho người dân thành phố nói chung cũng như đảm bảo an toàn cho trẻ em đến trường nói riêng, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM khuyến cáo: "Người dân cần tuân thủ 5K khi giao tiếp với cộng đồng. Thứ 2 người dân phải thực hiện tiêm vắc xin khi đến lượt. Đặc biệt, đối với phụ huynh thì chúng ta phải có động viên, khuyến khích phụ huynh hướng dẫn cho trẻ khi được chính quyền địa phương hoặc y tế mời đi chích ngừa.

Khi người dân có dấu hiệu nghi bị nhiễm bệnh thì nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm".  

Hiện nay, cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang quay về trạng thái bình thường mới. Để hồi phục kinh tế và nhịp sống vốn có, trong đó có việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại, rất cần sự chung tay, chung sức, chung lòng từ các cấp, các ngành, đặc biệt là các bậc phụ huynh.

Dù khó mấy, phải quyết tâm cho các em quay lại trường học. Điều này góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng cũng như đảm bảo tiến độ học tập của các em sau đại dịch Covid-19.