Chương trình tư vấn sức khỏe - tâm lý cho học sinh

(VOH) - Từ đầu tháng 4/2022, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức triển khai chương trình "Thăng hoa sức khoẻ tâm thể".

Đây là chuỗi hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần - tâm lý cho học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiểu học thuộc Thành phố Thủ Đức. Chương trình hướng đến tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần - tâm lý cho các em học sinh. Cụ thể, phía Khoa Tâm thể, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức sẽ tập huấn cho y tế học đường, tham vấn học đường, trợ lý thanh niên, phụ trách Đoàn, Đội tại các trường cách nhận biết cơ bản và chăm sóc sức khỏe tâm thần – tâm lý cho học sinh. Trong đó, bao gồm những kiến thức về tâm lý lứa tuổi, những bất thường có ý nghĩa lâm sàng, những nguyên tắc trong công việc chăm sóc sức khỏe tâm thần, cách sơ cứu tâm lý và ngăn ngừa tự sát ở vị thành niên.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần - tâm lý cho học sinh 1
Buổi tư vấn buổi sinh hoạt chuyên đề dành cho học sinh trường THPT Thủ Thiêm sáng 4/4.

Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp nhà trường có buổi sinh hoạt chuyên đề dành cho học sinh, nhằm giúp các em nhận biết những dấu hiệu khó khăn về sức khỏe tâm lý – tâm thần cũng như các giải pháp ứng phó.

Lứa tuổi học sinh là giai đoạn rất dễ gặp phải những rối loạn tâm lý – tâm thần. Ở lứa tuổi này, các em bắt đầu xuất hiện những khủng hoảng. Dù chất chứa nhiều tâm tư, nhu cầu, mong muốn được giãi bày, nhưng các em lại thường chưa biết cách thổ lộ phù hợp. Ngược lại, cha mẹ, thầy cô và bạn bè đôi lúc chưa có nhiều cơ hội, hoặc chưa đủ sức để nắm bắt kịp thời những thay đổi về mặt tâm lý diễn ra bên trong học sinh để có sự hỗ trợ kịp thời. Vì vậy, chương trình ra đời nhằm góp phần giải quyết những khó khăn này. Thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến, Khoa Tâm thể - Bệnh viện Thành phố Thủ Đức nói về mục đích hướng đến của chương trình: "Học sinh nhận diện được sức khoẻ tâm lý tâm thần của chính bản thân, giúp các em thấy rằng ai cũng có một giới hạn của chính mình. Từ học sinh đến phụ huynh, đều có một giới hạn. Tuy nhiên, nếu bản thân các em biết mình cần sự giúp đỡ thì các em nên "chìa bàn tay" ra, nên lến tiếng để người khác giúp đỡ mình. Ngay cả cha mẹ cũng vậy, bởi vì có nhiều phụ huynh cho rằng mình sẽ trở thành một ông bố, bà mẹ yếu đuối, không dạy được con...nếu cho người khác biết về thực trạng của bản thân.

Thực sự ra, không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể hiểu được con cái, cũng như không phải lúc nào con cái có thể thông cảm được cho cha mẹ."

Các chuyên gia cũng cho rằng, rối loạn tâm lý – tâm thần cũng giống như các cơn bão. Những sự thay đổi thất thường về mặt cảm xúc, những cơn buồn không lý do, khó có thể tập trung vào những chuyện mình làm hay dần mất hứng thú với điều mình yêu thích là những dấu hiệu đầu tiên. Và khi bão tới thì trời sẽ nổi sấm chớp, nó tựa như những cảm xúc tiêu cực, những hành vi tự gây hại chính mình. Nạn nhân của những rối loạn tâm lý – tâm thần phải hằng ngày, hằng giờ đấu tranh cho chính mình giữa những luồng suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Chính vì vậy, cảm giác tuyệt vọng hay chỉ đơn giản là cắt đứt hết mọi thứ thường là cách mà họ lựa chọn để được giải thoát khỏi những ý nghĩ tiêu cực đó.