Chương trình nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo, trang bị tư duy đổi mới và kỹ năng số cho sinh viên; giới thiệu các sản phẩm đổi mới sáng tạo của giảng viên và sinh viên đến cộng đồng.
Đồng thời, mở ra cơ hội cho sinh viên tiếp cận với những ý tưởng mới, giao lưu và học hỏi từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực.
Tại hội thảo Ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong học tập - mở đầu tuần lễ đổi mới sáng tạo - Tiến sĩ Lê Duy Tân, Giảng viên khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Quốc tế, đồng sáng lập Lap AioT Việt Nam đã đưa ra những thông tin đa chiều về ChatGPT.
Tiến sĩ Tân đánh giá, sự xuất hiện ChatGPT gây nhiều lo ngại như khiến con người lệ thuộc vào công nghệ, giảm suy nghĩ độc lập và khả năng sáng tạo, giảm khả năng thấu cảm, thoái hóa trí tuệ con người.
Đặc biệt, Tiến sĩ Tân khẳng định, ChatGPT hoạt động dựa trên xác suất thống kê, mọi câu trả lời không chính xác 100% nên còn có thể gây ra sai lệch kiến thức cho người sử dụng hay mất an toàn thông tin khi nhập quá nhiều thông tin cá nhân…
Tuy vậy, ChatGPT cũng đem lại những lợi ích nhất định như cá nhân hóa việc học, sử dụng đơn giản và thuận tiện, tiết kiệm thời gian, hỗ trợ đánh giá.
Tiến sĩ Tân khuyên, để ứng dụng ChatGPT hiệu quả và hạn chế tác động tiêu cực, sinh viên chỉ nên sử dụng ChatGPT để hỗ trợ việc học.
Quá trình sử dụng, sinh viên nên cung cấp lời nhắc rõ ràng, dễ hiểu cho ChatGPT; sử dụng chuỗi câu hỏi có liên quan để nhận được câu trả lời hoặc tinh chỉnh câu trả lời cần cho mục đích học tập; nên sử dụng ChatGPT để tạo ra phải hồi dưới dạng tổng kết hoặc danh sách.
Quan trọng nhất là luôn kiểm tra lại thông tin thu được từ ChatGPT và nên dựa vào kỹ năng tự phản chiếu, phân tích, suy luận của bản thân để đánh giá đúng – sai khi tiếp cận các phản hồi được tạo ra bởi ChatGPT.
Tuần lễ đổi mới sáng tạo năm 2024 kéo dài từ ngày 11 đến 14/11 với nhiều hoạt động hấp dẫn như: hội thảo "EQ Communication" – giúp người tham gia hiểu và phát triển trí tuệ cảm xúc trong giao tiếp; tập huấn chuyên đề "Truyền thông sáng tạo" – trang bị kiến thức và kỹ năng truyền thông hiện đại...
Đặc biệt, “Khu vực trưng bày các dự án nghiên cứu tiêu biểu” sẽ là nơi các sản phẩm mẫu, demo dịch vụ được giới thiệu đến cộng đồng, giúp người tham gia có thể góp ý, đóng góp cho sự phát triển của các dự án.
“Hoạt động tương tác IU Go Goals và Climate Fresk” sẽ giúp người tham gia tìm hiểu về 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và biến đổi khí hậu, từ đó nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
PGS. TS. Đinh Đức Anh Vũ, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế cho biết, tuần lễ đổi mới sáng tạo là cơ hội kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của trường với hệ sinh thái của TPHCM và các tỉnh lân cận.
Thông qua các hoạt động của tuần lễ đổi mới sáng tạo sẽ truyền cảm hứng khởi nghiệp trong cộng đồng, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với sinh viên, cựu sinh viên và các đối tác, từ đó tạo tiền đề hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang bản sắc riêng của trường Đại học Quốc tế.