Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chuyên gia lý giải về rào cản đối với giáo dục tư thục

(VOH) - Chiều 6/5, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia chủ đề “Giáo dục tư thục & định hướng phát triển Giáo dục tư thục tại Việt Nam".

Các chuyên gia đề xuất cần cập nhật đủ các mô hình giáo dục trường lớp, hình thức giáo dục mới vào văn bản pháp luật. Đồng thời, cần có chính sách để các trường tư thục tiếp cận được các định chế tài chính quốc tế, bên cạnh sự quan tâm và ưu tiên đối với lĩnh vực đầu tư vào giáo dục.

Đề cập những rào cản đối với giáo dục tư thục từ trước đến nay, Phó Giáo sư Tiến sĩ Thái Bá Cần, Phó Tổng Giám đốc phát triển đại học – Tập đoàn Nguyễn Hoàng cho hay, về số lượng thì nước ta thuộc nhóm nước có tỷ lệ giáo dục tư thục thấp. Sự quan tâm phát triển mảng giáo dục này của nhà nước chưa cao.

Thêm vào đó là quan niệm xã hội về giáo dục như một phúc lợi xã hội còn chiếm ưu thế. Các hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục tư thục thường được đồng nghĩa với hoạt động kinh doanh giáo dục. Thời gian qua, giáo dục tư thục tại Việt Nam đang phát triển theo hai hướng rõ nét.

“Hướng thứ nhất là hướng đại chúng, các trường tư thục tạo điều kiện cho tất cả đối tượng được học, tùy theo năng lực của bản thân. Nhưng hướng thứ hai rất đáng quan tâm, đó là hướng đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế, đưa ra các chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới về Việt Nam.

Đây là một trong những cố gắng nỗ lực của rất nhiều trường thuộc hệ thống giáo dục tư thục tại Việt Nam đang xây dựng. Tôi nghĩ cả hai hướng phát triển này đều đang mang lại lợi ích chung cho giáo dục tư thục và giáo dục Việt Nam nói chung” – ông Cần phân tích.

Chia sẻ về hệ thống giáo dục phổ thông ngoài công lập tại Thành phố, ông Hồ Tấn Minh, Phó trưởng phòng giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho hay, hiện hệ thống các trường phổ thông ngoài công lập tại Thành phố phát triển rất tốt.

Cụ thể, trên địa Thành phố có 82 trường ngoài công lập, trong khi trường công lập là 112 trường, đặc biệt là độ tin cậy của phụ huynh học sinh vào trường này rất cao. Theo thống kê đăng ký tuyển sinh lớp 10 năm nay, có đến 10.000 học sinh không đăng ký tuyển sinh vào các trường công lập mà tiếp tục đăng ký vào trường ngoài công lập.

Chia sẻ về hướng phát triển của hệ thống trường này, ông Hồ Tấn Minh cho hay: “Thành phố có quy hoạch tổng thể liên quan đến các trường này, tức là đảm bảo được điều kiện, tiêu chuẩn, cơ sở vật chất… Một lợi thế của trường ngoài công lập là được tự chủ về công tác nhân sự, được lựa chọn, kêu gọi giáo viên giỏi về trường dạy.

Thứ hai, trường được tự chủ thực hiện theo đề án của Thành phố, ví dụ Thành phố muốn tăng cường chuẩn đầu ra ngoại ngữ, nếu trường phổ thông công lập sẽ thực hiện khó, bởi vì sẽ phát sinh chuyện thu bao nhiêu tiền ngoài học phí ra, còn các trường ngoài công lập thì thực hiện được”.

giáo dục tư thục, trường tư thục

PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội phát biểu tại tọa đàm 

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Thanh Bình, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng, hiện nay xã hội đã có những nhận thức rất rõ về giáo dục tư thục, kể cả Nhà nước.

Theo ông Bình: “Luật Giáo dục Đại học sắp tới không nói tới phân tầng, mà chỉ nói đến phân loại, và phân loại gì đều quan trọng như nhau. Trường tự chọn chiến lược, sứ mệnh của trường mình, có lẽ trường tư nặng về vấn đề nguồn nhân lực. Ở đây, ta nói chất lượng là nguồn gốc của cạnh tranh, nhưng trường tư thì phải tính đến vấn đề kinh tế, làm sao chúng ta cân ở chỗ này, vì nó ảnh hưởng đến quản lý của Nhà nước”.

Ông Bình chia sẻ thêm, hiện việc xây dựng bộ luật giáo dục đảm bảo trên ba nguyên tắc, đó là tính mở, thứ hai là dựa trên năng lực người học, thứ ba là tính tự chủ. Sắp tới, chúng ta cũng không dựa hoàn toàn vào số năm học, bằng cấp mà dựa vào khung trình độ 8 bậc: sơ cấp 3 bậc, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ là bậc 8.

Việc xây dựng khung trình độ như trên là để hội nhập quốc tế, khi nhập chương trình quốc tế về Việt Nam sẽ đối chiếu phù hợp với khung trình độ nào. Chính vì vậy, giáo dục của chúng ta cũng sẽ không đặt nặng bằng cấp nữa. 

Danh sách 134 thí sinh đầu tiên trúng tuyển vào đại học năm 2019 - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố danh sách 134 thí sinh được miễn thi THPT Quốc gia và được xét tuyển thẳng vào đại học năm 2019.

Cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng lớp 10 - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng phần nào đến tương lai, con đường học tập của học sinh sau này.

Bình luận