Còn nhiều vướng mắc về thuế, phí trong tự chủ đại học

(VOH) - Sáng 22/04, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam phối hợp cùng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tổ chức Tọa đàm “Công tác thuế, phí trong tự chủ đại học: Thực trạng và kiến nghị”.

Tại toạ đàm, đại diện nhiều trường đã chia sẻ những khó khăn, đề xuất những kiến nghị xung quanh chính sách thuế - phí trong việc thực hiện tự chủ đại học.

Toạ đàm Công tác thuế, phí trong tự chủ đại học - Thực trạng và kiến nghị
Toạ đàm Công tác thuế, phí trong tự chủ đại học - Thực trạng và kiến nghị

Phân tích về các loại thuế chủ yếu trong các cơ sở giáo dục cao đẳng - đại học công lập tại Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Thủy Tiên, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Tài chính – Marketing cho hay, qui định hiện hành yêu cầu các trường chỉ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động dịch vụ như đào tạo tại chức, đào tạo chất lượng cao. Thực chất hiện nay, các trường đại học xác định mức học phí cho các hệ này theo định mức kinh tế kỹ thuật đồng thời xem xét khả năng cạnh tranh với các trường đại học khác nên mức học phí chủ yếu là lấy thu bù chi.

“Trong hai năm qua do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hầu hết các trường trong đó có Trường Đại học Tài chính – Marketing đều giảm học phí 5% cho tất cả sinh viên của các hệ đào tạo. Vì vậy, để hỗ trợ cho nhà trường mà thực chất là hỗ trợ cho người học, Chính phủ có thể nên xem xét tạm thời không thu phí thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động của chương trình đào tạo chất lượng cao, cũng như hệ tại chức”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Thủy Tiên đề xuất.

Chia sẻ thực tiễn tại đơn vị, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra một vài minh chứng thực tế của Trường để viện dẫn những vướng mắc, những do dự… chưa biết xử lý như thế nào để phù hợp với những quy định hiện hành về thuế áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam, đồng thời có một số kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội xem xét.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn dẫn chứng: “Đối với trường, mặc dù trong năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19, nhưng công tác thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ, các hoạt động liên quan đến nghiên cứu khoa học thu về được hơn 4 tỷ đồng. Nhưng chúng tôi chi lại cho hoạt động nghiên cứu khoa học tới 5 tỷ đồng. Nếu nói rằng lấy thu bù chi, chúng tôi cũng không biết nộp thuế như thế nào”.

Do đó, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn cho rằng, đối với hoạt động dịch vụ trong cơ sở đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Trường kiến nghị Chính phủ nên xem xét áp dụng không thu thuế cho hoạt động dịch vụ trong trường như dịch vụ Ký túc xá, chuyển giao công nghệ, đào tạo bồi dưỡng. Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục - Đào tạo được phân loại tự đảm bảo toàn bộ hay một phần kinh phí và trường được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

Bình luận