Chờ...

Công nghiệp 4.0: Mỗi cá nhân sẽ có từ 10 - 15 công việc khác nhau

(VOH) - Cách tiếp cận truyền thống trong chương trình đào tạo Việt Nam không còn phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh hiện tại và tương lai.

Trong nền công nghiệp 4.0, mỗi cá nhân sẽ có từ 10 - 15 công việc khác nhau trong cuộc đời làm việc với tính chất công việc yêu cầu người lao động phải đồng thời am hiểu được nhiều lĩnh vực khác nhau, trong một môi trường cạnh tranh toàn cầu.

Người lao động tham gia vào mô hình việc làm mang tính tương tác, sáng tạo, không theo thói quen, mang tính công nghệ. Vì thế, cách tiếp cận truyền thống trong chương trình đào tạo sẽ không còn phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh hiện tại và tương lai.

Đó là khẳng định của các chuyên gia tại hội thảo khoa học quốc gia “Nhu cầu nhân lực cho phát triển trong bối cảnh cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 và những đáp ứng của giáo dục đại học Việt Nam” do Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và Trường Đại học Kinh tế TPHCM phối hợp tổ chức sáng nay 23/11, tại TPHCM.  

Dù bức tranh chung về cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 thực ra còn chưa rõ và cũng thật khó để dự đoán chính xác về tương lai. Nhưng một điều chắc chắn rằng, CMCN 4.0 sẽ khởi phát những thay đổi to lớn trong hầu hết khía cạnh lớn của giáo dục: chuẩn đầu ra, nội dung, phương pháp và cấu trúc, cách thức quản lý giáo dục.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội chia sẻ tại hội thảo.

Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã đưa ra những nhận xét khi nhìn lại các cuộc CMCN quan hệ với giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trong vòng 250 năm, thế giới chứng kiến 4 cuộc CMCN. Vận tốc và gia tốc của những đổi thay ngày càng lớn. Nó không có chỗ cho những sức ì, nếp tư duy cũ hay sự bằng lòng với những tri thức đã có. Giáo sư Trân đúc kết, trong bối cảnh mới, giảng dạy và đào tạo chính là phải đào tạo con người làm chủ, năng động và sáng tạo.

Giáo sư Trân cho rằng: “Con người mà mình đào tạo để phù hợp với bối cảnh mới trước hết phải là người làm chủ. Rất tiếc khi hiện giờ chúng ta đang đào tạo con người ra để làm công chứ không phải để làm chủ”.

Theo giáo sư, phải đào tạo cho con người có khả năng thích ứng với những biến đổi và đặc biệt là phải sáng tạo, năng động. Muốn như vậy, con người phải có tư duy độc lập, tự chủ mình mới đáp ứng được yêu cầu của bối cảnh mới.

Theo nghiên cứu, khoảng 65% trẻ em bước vào tiểu học hiện nay sẽ có công việc mà hiện nay chưa xuất hiện, giáo dục chưa chuẩn bị điều này cho các em, làm rộng thêm khoảng cách giữa kỹ năng và việc làm trong lực lượng lao động tương lai.

Tiến sĩ Bùi Trung Hải, Đại diện nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đã dẫn lại một nghiên cứu trên thế giới hồi năm ngoái, nhằm chỉ ra tác động của cuộc CMCN 4.0 - đó là, loại bỏ những công việc phổ thông hoặc mang tính chất lặp đi lặp lại, thay thế toàn bộ bằng máy móc. Nhưng đồng thời, nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp, làm chủ máy lại tăng lên.

Vì vậy, theo Tiến sĩ Hải, cùng với sự ra đời các ngành nghề mới đặt ra yêu cầu đối với quá trình đào tạo của các trường đại học phải thay đổi: “Thứ nhất, các trường đại học cần chủ động trong đổi mới chương trình đào tạo, trên cơ sở khuyến khích sự sáng tạo và tiếp cận với tri thức mới của người học. Thứ hai, cần tổ chức lại các trường đại học theo hướng liên ngành và nâng cao năng lực đào tạo thể hiện ở chất lượng sản phẩm đầu ra là nguồn nhân lực được đào tạo ra khẳng định được uy tín, không chỉ trong nước mà còn ở khu vực, thế giới”.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia TPHCM, theo Tiến sĩ Lý Bình Nhung - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, để thích nghi với CMCN 4.0, người lao động cần được trang bị những năng lực cần thiết để có thể thành công trong môi trường luôn thay đổi.

Người lao động cần có năng lực thích ứng và những kỹ năng mà máy móc không thể có được. Trong lịch sử, có bốn cách tiếp cận chương trình giáo dục: tiếp cận đơn ngành; tiếp cận đa ngành; tiếp cận liên ngành và tiếp cận xuyên ngành.

Tiến sĩ Nhung phân tích, cách tiếp cận xuyên ngành là cách tiếp cận giúp người học cọ xát vấn đề phức tạp, có thật từ cuộc sống thực. Sinh viên phải giải quyết nó trên cơ sở tích hợp tri thức khoa học, kỹ năng của nhiều ngành khác nhau. Như vậy, nền giáo dục 4.0 phải sử dụng phương pháp tiếp cận này để xây dựng chương trình đào tạo và triển khai chương trình:

“Mô hình tiếp cận xuyên ngành gồm có nội dung chương trình mang tính thực tiễn. Quan trọng là thực tiễn, điều này rút ngắn khoảng cách giữa sinh viên và công việc thực tế, sinh viên tốt nghiệp ra trường phải hòa nhập được công việc thực tế” – bà Nhung cho hay.

Với chương trình đào tạo kiểu mới này, các trường đại học sẽ giúp cho sinh viên có được năng lực thích ứng, sáng tạo, đổi mới, khởi nghiệp… đó là những kỹ năng để tồn tại và phát triển trong bối cảnh nghề nghiệp luôn thay đổi của nền công nghiệp 4.0.

Đề xuất giảm học phí THCS xuống dưới 60.000 đồng/tháng - Sáng 22/11, liên Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Tài chính đã trình UBND TP đề án giảm học phí cho học sinh bậc trung học cơ sở.

Đại học muốn tự chủ phải công khai tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm - Ngoài việc được tự xác định mức học phí, các trường sẽ được chủ động mở ngành đào tạo khi đáp ứng đủ điều kiện của Luật Giáo dục.