Chính vì vậy, để chọn ra được những người thợ giỏi, có tay nghề cao, kỹ năng tốt, chuẩn hóa… rất khó và rất thiếu, kể cả ở những thành phố lớn. Đây là khẳng định của bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam trong khuôn khổ chương trình “Giải pháp cấp bách cung ứng nguồn nhân lực chất lượng quốc tế cho ngành Quản trị khách sạn”. Sự kiện do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, diễn ra chiều 8/7, tại TPHCM.
Bà Lưu Thị Thu Hoài, phát biểu tại chương trình.
Bà Xoan cũng cho rằng, do tình trạng thiếu hụt nên ở mỗi địa phương khi xây dựng một khách sạn mới là nguồn nhân lực lại bị xáo trộn. "Những khách sạn mới bắt đầu việc tuyển chọn bằng những ưu đãi qua các hình thức như tăng lương, thăng chức… thế là người lao động sẵn sàng đi. Đây là điều khó khăn trong việc quản lý người lao động tài vì chúng ta chưa có sự thống nhất về khung năng lực nhân sự ở mỗi phân khúc khách sạn 3 sao, 4 sao hoặc 5 sao", bà Xoan thông tin.
Theo thống kê, hiện nay, toàn ngành khách sạn có khoảng 2,5 triệu lao động, trong đó có 1,3 triệu là lao động trực tiếp. Thế nên, nhiều ý kiến cho rằng cần phải đề ra một bộ quy chuẩn chung về khâu đào tạo nhân lực cho lĩnh vực khách sạn là cần thiết, để từ đó tạo sự thống nhất trong trong quy chuẩn đào tạo, từng bước tiệm cận với chuẩn lao động quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam đã thông qua thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực ngành du lịch giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Bà Đỗ Hồng Xoan nhấn mạnh: "Cho đến nay, để chúng ta có một Bộ tiêu chuẩn chung, với chất lượng hội nhập quốc tế, tham gia sân chơi WTO để dạy ở tất cả các trường, để training cho tất cả các bộ phận từ buồng, bếp, bar, lễ tân đã có hay chưa… Câu trả lời chưa có sự thống nhất trong toàn quốc. Mỗi trường có một giáo trình riêng mà phần lớn là áp dụng theo chuẩn 70% học lý thuyết, 30% là thực hành. Đây là điều chưa hợp lý đối với các học viên học nghề. Do đó mà phần lớn các học viên khi tốt nghiệp, chứng chỉ có bằng cấp có nhưng năng lực và kỹ năng nghề lại không có. Đó là chưa kể ngoại ngữ cũng vô cùng yếu".
Bà Lưu Thị Thu Hoài, Vụ phó Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch cho rằng: tốc độ phát triển số lượng buồng, phòng khách sạn và cơ sở lưu trú ở Việt Nam liên tục tăng trong 10 năm trở lại đây để đáp ứng kịp với sự tăng trưởng nhanh chóng của lượng khách du lịch trong nước và quốc tế. Nếu năm 2010, cả nước chỉ có 12.000 cơ sở lưu trú du lịch với 235.000 buồng thì đến năm 2019, toàn ngành có 30.000 cơ sở lưu trú với 620.000 buồng, tăng 2,5 lần số lượng cơ sở và 2,6 lần số lượng buồng so với năm 2010. Trong chuỗi các khách sạn phân khúc từ 3-5 sao, xuất hiện nhiều nhà đầu tư mang thương hiệu Việt, có thể cạnh tranh với chuỗi các khách sạn do các nhà đầu tư và quản lý nước ngoài làm chủ.
Đề cập đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao để cung ứng cho lĩnh vực khách sạn, bà Hoài cho biết, mỗi năm toàn ngành cần 40.000 lao động, trong khi lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm. "Hiện nay, nguồn nhân lực du lịch do các cơ sở đào tạo cung cấp hằng năm cho các khách sạn, doanh nghiệp chỉ khoảng 25.000 người, nhân lực khách sạn chiếm số lượng lớn nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhân lực thiếu và yếu từ cán bộ quản lý đến nhân viên phục vụ; yếu về trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ và giao tiếp. Lực lượng lao động có kỹ năng nghề nghiệp cao, ngoại ngữ giỏi cả trong quản lý lẫn phục vụ thiếu rất nhiều nên thường xảy ra tình trạng cạnh tranh, giành giật lao động có trình độ", bà Hoài nói.
Chia sẻ về mô hình đào tạo của Trường Đại học Tài chính - Marketing, ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng của trường cho biết, lúc ban đầu, việc mở ngành đào tạo ở lĩnh vực khách sạn - du lịch ở trường chủ yếu theo nhu cầu của thị trường lao động, giáo viên hầu như cơ hữu, có lẽ vì vậy mà sinh viên sau khi tốt nghiệp thường “biết nói mà không biết làm”, “biết tư duy, biết suy nghĩ nhưng không biết hành động” nên buộc các doanh nghiệp khi tuyển dụng phải đào tạo lại.
Câu chuyện về sự ra đời của việc đào tạo chuyên ngành du lịch - khách sạn ở Trường Đại học Tài chính - Marketing không phải là câu chuyện hiếm, dù rằng hiện nay, trường này đã có sự thay đổi cách thức đào tạo ngành du lịch khách sạn theo mô hình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai, nghĩa là đào tạo đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE). Đào tạo theo mô hình này, Bộ cho phép các cơ sở giáo dục có đào tạo 2 ngành: Công nghệ thông tin và du lịch - khách sạn theo cơ chế đặc thù. Ở đó, các trường được tiếp cận doanh nghiệp để tìm kiếm giảng viên, không nhất thiết phải yêu cầu có bằng Thạc sĩ mới được giảng dạy.
Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT về đào tạo đặc thù, đối với giảng viên tham gia giảng dạy ở các môn thực hành, chỉ cần có bằng Đại học và 3 năm kinh nghiệm làm việc ở các khách sạn từ 4-5 sao là có đủ điều kiện để giảng dạy và được tính là giảng viên cơ hữu cho các trường trong việc xác định năng lực tuyển sinh. Đây là bước cởi trói lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm giúp cho việc đào tạo nhân lực cho ngành du lịch - khách sạn từng bước được chuẩn hóa, xóa bỏ dần khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành như trước đây.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và xã hội chi biết: Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự tiếp cận rất mới và rất tiệm cận với yêu cầu của quốc tế. Đó là phải đo lường chất lượng nguồn nhân lực từ kỹ năng. Với Chỉ thị quyết liệt này, giải pháp trọng tâm được đưa ra là phải phát huy nhiều hơn nữa sự gắn kết giữa 3 nhà: Nhà nước, Nhà trường và Nhà doanh nghiệp. Chỉ khi doanh nghiệp thực sự tham gia vào như là một nhu cầu với đầy đủ cả 4 khâu (Tham gia xây dựng chương trình Đào tạo; Tổ chức quá trình đào tạo; Đánh giá kỹ năng cho người lao động; Tuyển dụng, đãi ngộ, trả lương, sử dụng theo trình độ, kỹ năng của người lao động). Chỉ dựa trên 4 phương diện này thì mối quan hệ này mới trở nên thực chất.
Các đại biểu đại diện các khách sạn và Hiệp hội du lịch các địa phương ký kết thỏa thuận tham gia đào tạo nhân sự quản trị khách sạn theo chuẩn quốc tế trong 16 tuần.
Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực ngành quản trị khách sạn trước mắt, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chọn Trường Cao đẳng khách sạn du lịch quốc tế Imperial là đơn vị đồng hành xây dựng chương trình "Giải pháp cấp bách cung ứng nguồn nhân lực chất lượng quốc tế cho ngành quản trị khách sạn" thông qua việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo ngắn đạt chuẩn quốc tế trong 16 tuần. Đây được coi là giải pháp ứng cứu chuyển hóa hiệu quả cho sự mất cân bằng giữa lực lượng lao động học cao dôi dư chưa có việc làm để bù đắp cho nhu cầu thiếu báo động về nguồn nhân lực chất lượng quốc tế từ khách sạn tiêu chuẩn 4 - 5 sao.
Trong tương lai gần, nhiều chuyên gia dự đoán, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến du lịch trong top 10 trên bản đồ du lịch thế giới. Để chuẩn bị sẵn cho việc hiện thực hóa ước mơ đó, yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng. Chất lượng nhân sự chuẩn quốc tế sẽ góp phần quyết định giá trị thương hiệu du lịch Việt Nam. Do vậy, sự đồng nhất về áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cho chất lượng dịch vụ, trong đó có đội ngũ nhân lực ngành khách sạn là điều bắt buộc để xây dựng hình ảnh một điểm đến du lịch mang tầm quốc tế.