Hướng đến nguồn nhân lực chất lượng quốc tế

(VOH) - 45 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt ngưỡng cao hơn của sự phát triển.

Dù vẫn còn lắm thách thức và trở ngại nhưng Thành phố luôn phấn đấu là ngọn cờ đầu không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả các mặt văn hoá xã hội. Trong đó, giáo dục được xác định là lĩnh vực quan trọng không chỉ cung cấp nguồn nhân lực mà còn đào tạo nên những thế hệ công dân toàn cầu. VOH tiếp tục bài 2 trong loạt bài "Tự hào giáo dục Thành phố mang tên Bác", với bài viết "Hướng đến nguồn nhân lực chất lượng quốc tế".

TPHCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm của cả nước và khu vực về nhiều mặt, trong đó có giáo dục và đào tạo. Phát huy lợi thế và cũng là trách nhiệm với cả nước, Thành phố luôn tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục. Trong đó, việc dạy học từ lâu đã vượt qua phạm vi lớp học để đến với các dự án học tập, các hoạt động trải nghiệm, các lớp học trực tuyến và cả những lớp học ảo. Mỗi hình thức tổ chức dạy học sẽ có những lợi thế và hạn chế riêng, nhưng điểm chung là được đội ngũ giáo viên tìm tòi, tổ chức, quản lý một cách chặt chẽ, nhằm mang lại những hiệu quả thiết thực cho người học. Giáo viên Ngữ văn Đỗ Đức Anh, Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Quận 1 thông tin về xu hướng đổi mới dạy học trên địa bàn Thành phố: "Trước đây việc giảng dạy chỉ gói gọn trong một giờ lên lớp đơn thuần với giáo án, sách giáo khoa đề cương... thì bây giờ học sinh thành phố có rất nhiều cách tiếp cận bài học. Các bạn được ra ngoài, được trải nghiệm, được tiếp cận, và cơ hội để các bạn được thực hành, áp dụng từ trang giấy vào cuộc sống nhiều hơn. Tức là các bạn có nhiều chiều để tiếp cận bài học hơn, từ đó làm cho hình ảnh giáo dục Thành phố rực rỡ hơn, đa dạng hơn và được học sinh đón nhận nhiều hơn" .

Ảnh minh họa: PN

Dự án "Cải tạo chất lượng không khí ở hầm xe" của học sinh khối lớp 10, Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Quận 3 là một trong vô vàn những hoạt động đổi mới dạy học trên địa bàn thành phố. Dự án được giáo viên đưa ra dựa trên vấn đề thực tiễn, diễn ra chính trong khuôn viên trường. Hầm xe nóng và ngột ngạt do nằm sâu dưới lòng đất, tồn tại nhiều khí độc hại như cacbonoxit (CO), sunfuadioxit (SO2), cacbondioxit (CO2) và cả nguy cơ cháy nổ. Vì vậy, việc tạo mảng xanh, cải tạo không khí, giảm nhiệt độ cho hầm gửi xe được đặt ra như một yêu cầu của đề bài. Học sinh phải suy nghĩ, vận dụng kiến thức liên môn toán, lý, hóa, sinh, công nghệ để tìm hướng giải quyết. Một mặt lên kế hoạch, tìm hiểu các giống cây trồng có khả năng lọc, giảm khí độc, cách thức chăm sóc trong điều kiện thiếu ánh nắng, thiếu đất, công nghệ khí canh; một mặt tính toán, thiết kế, lắp đặt hệ thống trụ cây, máy bơm dẫn nước tự hoạt động, đèn led chiếu sáng; đo nồng độ các chất độc hại trong không khí... và phương án thu hoạch chế biến, tiêu thụ các loại cây dược liệu được ứng dụng.

Dự án như một minh chứng cho kết quả của việc dạy học theo hướng STEM mà các trường đã và đang tích cực thực hiện. Giáo viên Lợi Minh Trang, Bộ môn Hoá học, một trong những giáo viên hỗ trợ học sinh thực hiện dự án cho rằng:"Đa phần gia đình luôn đầu tư cho các em học tới nới tới chốn. Thành phố mình đi đầu cả nước nên công dân của mình phải làm sao khi đi mọi nơi đều khẳng định thương hiệu công dân thành phố, từ đó hướng đến xu thế công dân toàn cầu. Công dân toàn cầu cần được xây  từ đô thi thông minh, giáo dục thông minh từ các trường học thông minh. Các em đa phần có rất nhiều lợi thế. Các em rất thông minh. Có những vấn đề giáo viên phụ huynh tiếp cận 2-3 ngày vẫn chưa ra, nhưng các em rất nhanh chỉ 1-2 giờ là đã hiểu ra"

Bước vào thời đại của cuộc cách mạng 4.0, thế hệ công dân thành phố cũng được yêu cầu phải làm chủ kiến thức lẫn công nghệ. Những công nghệ như trí tuệ nhân tạo - AI, bigdata, kết nối vạn vật IoT như một sự tồn tại tất yếu mà các em phải nắm bắt. Vì vậy, từ đầu năm học này, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Quận 5, đã triển khai dạy học trí tuệ nhân tạo (AI) cho học sinh các lớp chuyên khối 10, 11, 12. Đây cũng là trường phổ thông đầu tiên trên cả nước đưa vào dạy học chính thức nội dung này. Qua đó, các em được tìm hiểu nền tảng về toán cho AI, kỹ năng lập mô hình toán cho các vấn đề thực tế; hình thành kỹ năng điều hành, kỹ năng cộng tác và làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề và viết báo cáo khoa học... Học sinh Ngô Nguyễn Yến Như, lớp 12 Tích hợp, chia sẻ về nội dung chuyên đề Trí tuệ nhân tạo - AI được học:"Qua lớp học, em nhận ra thời đại 4.0 này, công nghệ ngày càng phát triển, con người cần phải làm sao để cân bằng giữa máy móc và con người. Con người có nhiệm vụ quản lý và điều tiết được máy móc, những việc máy móc làm được cũng như đặt ra mức hạn chế, giới hạn cho máy móc. Giữa con người và máy móc thì con người có được tình yêu thương còn máy móc thì không."  

Tiên phong thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, TPHCM luôn chú trọng định hướng phát triển năng lực cho học sinh để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong tương lai. Đó là sự tự chủ, hợp tác, sáng tạo, linh hoạt giải quyết các vấn đề; là thế hệ có sức khoẻ thể chất tốt, nhưng cũng đồng thời biết yêu quý cái đẹp... Đặc biệt, thế hệ công dân tương lai của thành phố cũng được trang bị vốn ngoại ngữ cần thiết để hội nhập toàn cầu. Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Giáo dục - trường Đại học Sư Phạm TPHCM đánh giá: "Trong thời gian qua, những xu hướng giáo dục thế giới đã được thể hiện rất rõ trong thành tựu giáo dục. Cả hệ thống giáo dục của TPHCM theo kịp và thậm chí đi đầu trong cả nước về các mô hình dạy học STEM, mô hình thành phố thông minh. Tôi đánh giá cao những đón đầu của thành phố trong việc đưa ra hướng phát triển thành phố thông minh như thế nào cũng như làm sao cho giáo dục tiệm cận với khu vực và hướng tới phát triển thành thành phố có nền giáo dục tốt"

Mới đây, mô hình thí điểm Trung tâm điều hành Giáo dục thông minh được đưa vào vận hành càng khẳng định thêm sự quan tâm đầu tư của thành phố dành cho lĩnh vực giáo dục. Trung tâm bao gồm các hợp phần như: xây dựng hệ thống báo cáo bằng công cụ thông minh, trực tuyến; giám sát thời gian thực qua camera trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, từ đó điểm danh bằng khuôn mặt, cảnh báo bạo lực học đường; tạo hệ sinh thái trực tuyến phục vụ việc soạn giảng, nghiên cứu của thầy và hoạt động tự học toàn diện của trò...

Trong bối cảnh, Thành phố xem phát triển nhân lực và văn hoá là giải pháp trọng tâm cho sự phát triển, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân, tại buổi khánh thành Trung tâm điều hành Giáo dục thông minh, chỉ đạo: "Với dân số gần 10 triệu người mà tinh thần con em đồng bào hễ đến thành phố là phải được đi học. Cho nên, giáo dục thành phố có trách nhiệm rất lớn. Vừa đảm bảo giáo dục cơ bản vừa nâng cao trình độ, cả phổ thông, dạy nghề, đại học ... hướng tới trình độ quốc tế. Phấn đấu TPHCM có một bộ phận đạt trình độ giáo dục quốc tế. Đó là điểm đặc thù trong chiến lược phát triển thành phố. Muốn góp phần cùng cả nước đi đầu trong hội nhập phát triển, thì chúng ta phải có nhân lực trình độ quốc tế"  

45 năm, một hành trình đủ dài để con người trưởng thành và khẳng định thành tựu của bản thân. Trong hành trình đó, ngành giáo dục luôn khẳng định tính tiên phong đổi mới cần thiết của một Thành phố năng động, sáng tạo, nghĩa tình. Trong bối cảnh xã hội biến đổi không ngừng, giáo dục thành phố tiếp tục khẳng định sự đi đầu trong các giải pháp hướng tới xây dựng nên những con người vừa có nền tảng văn hóa vững chắc vừa có năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Từ đó, có thể tự tin tham gia thị trường lao động quốc tế để trở thành thế hệ công dân toàn cầu.

TPHCM: Kết hợp dạy học trên lớp và dạy học trực tuyến khi học sinh trở lại trường: Sáng nay 29/4, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM chính thức ban hành kế hoạch tổ chức cho học sinh đi học trở lại.

 

Phương án dự kiến học sinh TPHCM trở lại trường: Theo phương án Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đề xuất, học sinh đi học trở lại sẽ phân bố theo từng khối lớp, sớm nhất là từ 5/5/2020 và muộn nhất từ 1/6/2020.