Đề thi khó – có "dọn đường" cho học thêm dạy thêm?

(VOH) - Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 đã kết thúc, với rất nhiều những ý kiến đánh giá khác nhau về sự đổi mới từ khâu ra đề thi năm nay.

Theo đánh giá chung, các đề thi có tính phân hóa cao, phù hợp với hai mục đích của một kỳ thi hai trong một: vừa xét tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa xét tuyển đại học. Thực tế mấy ngày thi qua cũng đã minh chứng cho nhận định đó, đã có những thí sinh bước ra từ phòng thi với gương mặt thất thần, những cái lắc đầu thất vọng….vì đề quá dài và quá khó. Thậm chí, với cả giáo viên còn phải chật vật mới giải được hết đề. Nếu không có kinh nghiệm giải đề, làm quen với dạng đề….thì thí sinh khó có thể vượt qua kỳ thi năm nay. Vậy, đề thi khó sẽ dẫn tới học sinh đi luyện hoặc học thêm mới có thể đạt điểm cao?

Đề thi dài, khó

Dài và khó – là hai từ được thí sinh và các giáo viên nhận định đề nhắc nhiều khi nói về các bài thi vừa qua. Với đề thi Văn, dù được đánh giá là hay, là khơi gợi ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ, thế nhưng dường như nó lại quá sức với học sinh lớp 12.

Đánh thức tiềm lực quốc gia là vấn đề vĩ mô, đòi hỏi thí sinh hiểu và có kiến thức xã hội rộng để làm bài đã khó, thì với yêu cầu chỉ trình bày trong 200 chữ lại càng khó hơn, dù với thí sinh chuyên văn đi chăng nữa.

Chưa hết, với các môn thi trắc nghiệm cũng thách thức thí sinh không kém. Đề Toán dài 50 câu, chỉ có 25 câu đầu thí sinh nhìn vào có thể làm được ngay, các câu còn lại đều khó, thậm chí 10 câu cuối cực kỳ khó.

Bài thi môn Hóa cũng tương tự, 10 câu cuối là những bài tập dài và khó, mức độ phân hóa rất cao. Là môn nằm ở thứ tự cuối trong bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, bài thi môn Sinh học cũng làm cho thí sinh thực sự nản lòng khi đề cũng quá dài, những câu về sau đòi hỏi thí sinh phải dừng lại ở mỗi câu khá nhiều thời gian mới có thể tìm ra được đáp án đúng.

"Khoảng 10 câu đầu là em biết làm, còn mấy câu sau khó lắm, công thức khó nhớ. Lý thuyết thì em nhớ nhưng chỉ khoảng 5 câu đầu em làm được, còn bài tập em không biết làm"; hay như "Nếu học trong chương trình thì không trúng nhiều nhưng mình phải suy luận ra từ kiến thức mình học. Tức là không được học trong quá trình, mình phải tự suy luận"; hoặc "Đề năm nay khó hơn năm ngoái, khó hơn nhiều luôn !”, một số thí sinh chia sẻ.

Thí sinh căng thẳng trước giờ thi.

Giáo viên chật vật mới có thể giải hết

Không chỉ thí sinh, mà ngay chính ở các giáo viên phụ trách bộ môn, cũng rất chật vật mới có thể giải hết đề. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cách ra đề như thế này vẫn áp dụng cho các năm tiếp theo, chắc chắn sẽ gây áp lực tâm lý cho cả học sinh và cả giáo viên giảng dạy. Và cũng chính những áp lực này sẽ khiến cho việc học thêm, luyện thi phát triển rầm rộ hơn. Bởi, nếu học sinh chỉ học trong lớp thì rất khó giải đề nhanh để hoàn thành hết bài thi và đạt điểm số cao.

Giáo viên Nguyễn Thị Thu Sương, bộ môn Sinh học Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân cho rằng, với đề thi năm nay đòi hỏi học sinh nếu không có kỹ năng đọc hiểu và xử lý đề, kỹ năng giải đề thì sẽ rất khó làm được hết đề. Nếu thí sinh không luyện trước kỹ năng này ở nhà thì vào phòng thi sẽ không xử lý kịp vì đề quá dài, không kịp giờ.

Bày tỏ ý kiến cá nhân, vị giáo viên này không ủng hộ cách ra đề năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên: “Học sinh khi thi bài thi tổ hợp này ra phòng thi rất căng thẳng, bởi vì dồn ba môn đều là khoa học tự nhiên. Ba môn dồn trong một buổi thi, nếu tôi đóng vai trò là phụ huynh và cả giáo viên bộ môn, tôi thấy áp lực cho học sinh lắm. Tại vì, nếu xét đại học thì có 2 trong 3 môn này sẽ quyết định khối A hoặc B. Nếu tính về thời gian coi thi, có thể hay. Nhưng tính xét về cả quá trình học của các em, lỡ như có sơ suất gì thì rất tội cho các em”.

Sẽ nở rộ trung tâm luyện thi, dạy thêm?

Tương tự, với sự xuất hiện của những từ vựng mới, không có trong chương trình học, đề thi môn tiếng Anh không chỉ gây khó cho thí sinh học lực trung bình mà còn làm khó cả thí sinh dù ở học lực khá giỏi, cũng khó có thể kiếm được điểm 9 – 10. Giáo viên Đặng Thanh Huân, giáo viên ngoại ngữ trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, cũng bày tỏ, thí sinh nào thực sự giỏi, xem môn tiếng Anh là môn bắt buộc xét tuyển đại học, dồn hết tâm sức cũng khó có thể hoàn thành hết các câu hỏi trong đề thi. 

“Với thời gian 60 phút, thí sinh học lực trung bình khó có thể làm được hết các câu hỏi. Còn đối với thí sinh học lực khá giỏi, coi môn Tiếng anh là một môn bắt buộc để xét tuyển vào đại học, thì cũng chưa chắc đã làm hết được”, thầy Huân cho hay.

Với sự đổi mới đề thi như năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng điểm thi năm nay sẽ không còn tình trạng “mưa điểm 10” như năm ngoái. Đối với các trường đại học, có lẽ sẽ không lo với kết quả thi năm nay, vì những thí sinh đạt điểm số cao là những thí sinh thực sự giỏi. Vậy, còn với mục đích xét tốt nghiệp trung học phổ thông, liệu có cần ra đề thi khó như vậy hay không, khi kỳ thi là dành cho tất cả thí sinh ở các khu vực vùng miền khác nhau. Từ vấn đề này sẽ tạo nên lo lắng, áp lực và cả hệ lụy cho việc học thêm dạy thêm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết liệt chấn chỉnh trong thời gian qua. Do vậy, việc ra một đề thi để làm sao vừa phục vụ được mục đích xét tốt nghiệp trung học phổ thông cho hầu hết các thí sinh, vừa đảm bảo tính phân hóa để phục vụ cho mục đích xét tuyển vào các trường đại học, để các trường yên tâm sử dụng kết quả này trong xét tuyển mà không cần phải nhờ đến những tiêu chí phụ, xem ra vẫn là một thách thức đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho những kỳ thi năm tiếp theo.